Hà Nội – Tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường

17/12/2020 13:54 Địa phương
Hà Nội đang là đơn vị đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng bộ, hiện đại, công bố công khai dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ nhu cầu theo dõi của người dân và du khách quốc tế trên website https://moitruongthudo.vn.
Liên kết 4 nhà xử lý chất thải nông thôn
ha noi tang cuong nang luc quan trac chat luong moi truong
Một trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục của Hà Nội. Ảnh: Diệu Anh

Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã tham mưu UBND TP. Hà Nội tăng cường quản lý, quy hoạch về bảo vệ môi trường đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành khác trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố.Trong đó, nổi bật lên là tăng cường năng lực quan trắc môi trường.

Đến nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đang vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động, sáu trạm quan trắc nước mặt, một trạm quan trắc nước rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, một xe quan trắc không khí lưu động. Chi cục cũng đang triển khai dự án đầu tư 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định, tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước, tích hợp 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định và 6 trạm quan trắc nước dưới đất; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố trong năm 2021.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên & Môi trường đã tổng hợp, xử lý chuỗi dữ liệu để tham mưu, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí. Sở đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn Thành phố và Chỉ thị số 19/CT-UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố.

Phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, gây ô nhiễm trên địa bàn Thành phố, với đặc thù vùng nông thôn sẽ đạt 90%, còn các quận sẽ đạt tỷ lệ 100% không sử dụng bếp than tổ ong trong đun nấu; đồng thời chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của bếp than tổ ong và giới thiệu các giải pháp bếp thân thiện thay thế. Bên cạnh đó, Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp tổng thể như cho phép tiến hành tưới nước rửa đường trong những ngày thời tiết hanh khô để giảm nồng độ bụi phát sinh; hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1.000.000 cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600.000 cây xanh trong giai đoạn 2019-2020; tăng cường cơ giới xe quét, hút bụi trong công tác vệ sinh môi trường; quản lý, thắt chặt việc thực hiện che chắn công trình khi phá dỡ, xây dựng; tăng cường kiểm tra, xử lý xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, rác thải không đảm bảo che chắn, gây phát sinh ô nhiễm; triển khai chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; triển khai đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”...

Thời gian tới, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa vào ứng dụng phần mềm mô hình hóa lan truyền ô nhiễm, dự báo ô nhiễm, xác định nguyên nhân ô nhiễm, xây dựng kế hoạch hành động ngắn hạn/trung hạn/dài hạn bảo vệ chất lượng môi trường, chủ động ứng phó sự cố môi trường và biến đổi khí hậu.

Việt Quang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động