Hải Dương: Chú trọng xây dựng đồng bộ mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục
Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Hải Dương chú trọng xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tự động, liên tục. |
Đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến 2025 của tỉnh Hải Dương nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quan trắc môi trường đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, bắt kịp với xu hướng hiện đại hóa, quản lý môi trường thông minh, tiến tới hòa nhập với trình độ quản lý môi trường tiên tiến trong nước cũng như trên thế giới. Theo Đề án, các trạm quan trắc khi đầu tư phải bảo đảm giải pháp, công nghệ mang tính tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, chính xác, hội nhập với công nghệ của thế giới đồng thời phải có khả năng mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ và thích ứng với điều kiện hoạt động trong môi trường khí hậu miền Bắc Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, hiện nay tỉnh đang triển khai đang triển khai lắp đặt 10 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí và nước mặt. Cụ thể là lắp đặt 5 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí ở thị xã Kinh Môn (2 trạm: khu vực trung tâm thị xã và xã Duy Tân), TP Hải Dương, TP Chí Linh và khu vực xã Cổ Dũng (Kim Thành). Các trạm này sẽ quan trắc thông số vi khí hậu (gió, lượng mưa, nhiệt độ không khí, độ ẩm, áp suất khí quyển), bụi (PM2,5, PM10, TSP)...
Cùng với đó, tỉnh lắp đặt 5 trạm quan trắc tự động nước mặt. Trạm thứ nhất lắp đặt trên sông Thái Bình tại vị trí đò Đình, phường Nhân Huệ (Chí Linh). Trạm thứ hai trên sông Sặt tại bờ sông gần chùa Tranh, xã Thúc Kháng (Bình Giang). Trạm thứ 3 lắp đặt trên sông Cửu An tại trạm bơm Khu, xã Ngô Quyền (Thanh Miện). Trạm thứ 4 lắp đặt trên sông Luộc xã Tiền Phong (Thanh Miện). Trạm thứ 5 lắp đặt trên sông Thứa ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng).
Dữ liệu từ các trạm quan trắc này được kết nối với Sở TN&MT và Bộ TN&MT.