Halcom Việt Nam với mong muốn rác thải là tài nguyên
Đơn vị chuyên doanh trong lĩnh vực điện
Được thành lập từ năm 2001, trải qua 19 năm hình thành và phát triển với hai lần thay đổi tên gọi, Công ty CP Halcom Việt Nam (HALCOM) đã từng bước khẳng định được vị trí và vai trò của mình lần lượt trong lĩnh vực tư vấn phát triển Hạ tầng - Đô thị - Xoá đói giảm nghèo và đầu tư Năng lượng tái tạo. Công ty đã đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 (Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định) với công suất 21MW và Nhà máy điện Mặt trời Hậu Giang (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).
Cắt băng khánh thành Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang |
Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang được xây dựng trên diện tích 33ha, với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; sau 6 tháng thi công, các hạng mục công trình chính của dự án được hoàn thành đúng tiến độ như: lắp đặt 79.000 tấm pin năng lượng mặt trời, nhà điều hành, trạm biến áp, tuyến đường dây 110kV đấu nối Vị Thanh - Long Mỹ với chiều dài 6,83 km. Dự án đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020, tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho một số lao động tại địa phương; dự kiến hàng năm đóng góp khoảng 80 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Trong vòng 3-5 năm tới, HALCOM cam kết sẽ hoàn thành đầu tư ít nhất 300 MW năng lượng sạch, liên kết để đầu tư thành công ít nhất 5 dự án về nước, điện gió, điện mặt trời, bất động sản, nhà máy điện rác và giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 6000-7000 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Halcom đã và đang tham gia cung cấp hơn 200 hợp đồng dịch vụ tư vấn cho các dự án về phát triển hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, phát triển toàn diện kinh tế- xã hội, cải thiện hệ thống giao thông, thủy lợi… tại 50 tỉnh, thành trong cả nước.
Để biến rác thành tài nguyên
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, việc đưa công nghệ vào xử lý rác, biến rác thành tài nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: nhu cầu cần vốn lớn, nhiều địa phương chưa mạnh dạn chấp thuận đầu tư, cơ chế chính sách chưa phân định rõ ràng,... nên nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với lĩnh vực kinh doanh này. Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực điện, chúng tôi xét thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng và công ty đã nghiên cứu rất kỹ về công nghệ xử lý rác thành điện đang được nhiều nước phương tây áp dụng.
Trung tâm vận hành Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang |
“Để các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực xử lý rác: Nhà nước nên có cơ chế rõ ràng về lĩnh vực này, phân cấp cụ thể cho địa phương; thủ tục cấp phép cần phải được tinh gọn, nhất là vấn đề chấp thuận đầu tư và vấn đề mua bán điện,…”, ông Huân nói.
Mong rằng những vướng mắc ở góc độ chính sách theo ông Huân chia sẻ sớm được giải quyết, tạo thông thoáng hơn để những đơn vị tâm huyết với lĩnh vực xử lý rác yên tâm đầu tư, sớm biến rác thành điện, đưa rác trở thành tài nguyên thực thụ, góp phần từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên mỗi địa bàn.