Hành động quyết liệt, tạo giải pháp đột phá thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ môi trường
Thí điểm bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường ở các địa phương |
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Văn phòng Bộ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và Môi trường, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Vụ Kế hoạch - Tài chính ...
Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động
Báo cáo kết quả công tác năm 2019, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Tổng cục đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra, trong đó có một số mục tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả tốt. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, đã chủ động kiểm soát, giám sát, phòng ngừa được ô nhiễm môi trường, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng; xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế, ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần; vấn đề môi trường đã thu hút, nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội nghị
Trong công tác tham mưu tổng hợp, Tổng cục đã hoàn thành, giải quyết khối lượng lớn các văn bản, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao. So với cùng kỳ năm 2018, số lượng văn bản Tổng cục đã tiếp nhận, giải quyết tăng 34%, số văn bản soạn thảo phát hành tăng 20,3%.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tiếp tục được Tổng cục tập trung nguồn lực để thực hiện, coi là trọng tâm đột phá nhằm chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành vượt tiến độ, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức bảo vệ môi trường của cơ sở được nâng lên thể hiện qua số lượng cơ sở vi phạm năm 2019 là 21,4% (giảm 11,3% so với năm 2018).
Công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc tiếp tục đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tổng cục đã nỗ lực bãi bỏ và cắt giảm trên 25 thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 15-25 ngày. Trong năm, đã giải quyết, trả kết quả được hơn 1.000 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính chậm tiến độ giảm rõ rệt so với năm 2018.
Các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến tích cực, đều có kết quả cao hơn năm 2018 và đạt chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đạt 89% (tăng 1%, tương ứng với 16 KCN so với năm 2018). Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom đạt 13% (tăng 1% so với năm 2018). Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 86,5% (tăng 0,5% so với năm 2018). Tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý đạt 66,4% (tăng 56 cơ sở so với năm 2018). Phối hợp tốt với các địa phương giải quyết các sự cố, điểm nóng về môi trường.
Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, nhiều phong trào, hoạt động đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi như phong trào chống rác thải nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Nhiều hành vi vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân đã được được khắc phục và có chiều hướng giảm so với năm trước.
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức báo cáo tại Hội nghị
Bên cạnh đó, lĩnh vực môi trường nói chung cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế chưa cao; nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời; chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái tiếp tục suy giảm, vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen...
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 Tổng cục Môi trường
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, năm 2019 đánh dấu nhiều vấn đề môi trường nổi lên được dư luận xã hội quan tâm, cần xử lý như vấn đề quản lý chất thải rắn, quản lý rác thải nhựa, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, một số sự cố môi trường xảy ra ở quy mô không lớn nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận không nhỏ Nhân dân. Tuy vậy, với sự vào cuộc quyết liệt, Tổng cục Môi trường đã tiếp nối được những thành công đạt được trong các năm trước, chủ động khắc phục khó khăn, về cơ bản đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2019 đề ra.
Bước sang năm 2020, năm quyết định kết quả của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng yêu cầu: “Tổng cục Môi trường cần có những hành động quyết liệt, tạo những giải pháp mang tính đột phá để nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà Đảng, Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”. Khối lượng công việc đặt ra rất lớn, đòi hỏi Tổng cục phải bắt tay triển khai quyết liệt với một kế hoạch rất cụ thể, có tiến độ rõ ràng và sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên; tập trung chỉ đạo, hoàn thành tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung cao độ vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước; nghiên cứu xây dựng quy hoạch BVMT quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế; rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới; thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các văn bản quản lý về đa dạng sinh học đã được ban hành.
Hai là, chủ động kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các nguồn thải; tăng cường quản lý chất thải rắn, hoàn thiện danh mục chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường quan trắc môi trường phục vụ công tác dự báo, cảnh bảo, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Ba là, chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Bộ các giải pháp để xử lý các vụ việc môi trường nóng, mới phát sinh được dư luận và báo chí phản ánh.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất; xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông, phát huy hiệu quả của Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương; tập trung đẩy mạnh, làm tốt hơn việc tiếp nhận, xác minh và xử lý các thông tin.
Xác định vai trò quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Trung ương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà Đảng, Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đó là “Kết hợp công tác bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế chất thải rắn; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường; từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”
Tin mới
Tin khác
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý việc xả nước thải ra môi trường ở các nhà hàng, quán ăn ven biển
Thông tư Quy định phương pháp lập khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.