Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực và mở ra những xa lộ mới cho hàng hoá Việt Nam. Đặc biệt, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây.
RCEP sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến. Việt cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may và dày dép và nông nghiệp – tất cả đều tăng trưởng liên tục với doanh thu xuất khẩu tăng.
Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác ASEAN trong một Hiệp định FTA. Lợi ích có thể nhìn thấy là các doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra. RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn và thách thức liên quan sức ép cạnh tranh về chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng trên sản phẩm đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP hay EVFTA. Thay vì hướng đến mở cửa thị trường, RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, tạo ra một khuôn khổ để thuận lợi hóa thương mại và tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Trong lĩnh vực quy tắc xuất xứ, với những đối tác lớn trong ngành sản xuất của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, may mặc, da giày cũng sẽ có điều kiện thuận lợi để định vị và vận dụng những quy tắc xuất xứ này trên cơ sở đảm bảo được lợi ích tối đa của khu vực doanh nghiệp và các ngành sản xuất trong các chuỗi cung ứng. Các cam kết cũng giúp khai thác tốt các thị trường, từ thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản,… cho những sản phẩm của công nghiệp điện tử, dệt may, da giày...
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018 cho thấy, thực thi Hiệp định RCEP có thể giúp tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế. |