Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội

11/10/2019 16:39 Tác động môi trường
Nhằm thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí và người dân về diễn biến ô nhiễm không khí, ngày 11/10, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Mạng lưới Không khí Sạch và Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức Hội thảo: “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội – Hành động của chính quyền người dân”.
Báo cáo Thủ tướng về chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tại Hà Nội, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10/2019, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém. Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến 29/9, nồng độ bụi PM2.5 đều có xu hướng tăng, đặc biệt từ 15 đến 17/9 và 23 đến 29/9 có thời điểm tăng hơn 75%, trong đó giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam.

Việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm qua cho thấy, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu, tiếp đó là do hoạt động phát thải của con người.

hieu dung ve o nhiem khong khi tai ha noi
Hình ảnh tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển "nóng". Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội phụ thuộc nhiều vào yếu tố khí tượng và nguồn phát thải của thành phố, khu vực lân cận. Các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, đặc biệt là nguồn gốc gây bụi PM2.5 để có giải pháp tháo gỡ.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung, không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí, hiện đang hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường hằng ngày và cập nhật công khai.

Theo lộ trình, đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc. Hà Nội cũng tập trung đưa cơ giới hóa vào công tác vệ sinh môi trường như: Xe quét rác, xe gom rác làm giảm bụi và rác tồn đọng; triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh...

Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park cho biết, trung bình mỗi năm có 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, người dân sinh sống tại các thành phố thu nhập thấp, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, và công nhân là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí.

Mỗi quốc gia cần tăng cường mở rộng nền tảng kiến thức, hiểu biết về ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí; theo dõi và báo cáo xu hướng sức khỏe; thúc đẩy ngành y tế nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe từ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Hà Nội nên học tập các biện pháp làm giảm ô nhiễm không khí của nhiều nước, như ở Trung Quốc là một ví dụ.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động