Hướng dẫn nội dung Hợp đồng quản lý chất thải
Chính sách quản lý chất thải rắn sinh hoạt |
Quản lý chất thải rắn: Vấn đề nóng của đô thị Việt Nam. |
Theo Bộ Xây dựng, nội dung Hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo mục II.5 biểu 02 phụ lục 1 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên xác định dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng; Nội dung hợp đồng đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định tại Điều 19 của Nghị định. Trường hợp thực hiện dịch vụ theo phương thức đấu thầu, nội dung hợp đồng thực hiện theo quy định về hợp đồng tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn.
Về phân cấp quản lý đối với Hợp đồng dịch vụ được quy định tại khoản 11 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về Trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Phương pháp tính giá dịch vụ được hướng dẫn tại Thông tư số 07/2017/TT-BXD ngày 15/5/2017 hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành và các quy định khác có liên quan. Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, UBND thành phố Hà Nội có thể tham khảo phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính để vận dụng, xác định giá dịch vụ phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện, chất lượng dịch vụ và khả năng ngân sách của địa phương.