Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6: Chung tay giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon
Nhân sự kiện đặc biệt quan trọng này, trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường, TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chia sẻ các thông tin đáng báo động liên quan đến chất thải nhựa và nilon.
TS. Nguyễn Văn Tài cho biết: Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nilon được tiêu thụ trên thế giới, song, phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó, sẽ nằm trong các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác chất thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
PV: Ông có thể cho biết các thách thức mà Việt Nam đang gặp phải trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn nói chung và ô nhiễm từ rác thải nhựa và nilon nói riêng?
TS. Nguyễn Văn Tài: Ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng. Người bán sẵn sàng đưa thêm một hoặc vài chiếc túi nilon cho người mua khi được yêu cầu; người mua ít khi mang theo vật đựng (túi xách, làn...) vì biết chắc chắn rằng, khi mua hàng hóa sẽ có túi nilon kèm theo để xách về.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Như vậy, ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, trung bình một ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.
Hình minh hoạ
PV: Thời gian qua, Bộ TN&MT đã và sẽ triển khai những biện pháp gì để hạn chế quản lý chất thải nhựa và nilon tại Việt Nam?
TS. Nguyễn Văn Tài: Để góp phần hạn chế chất thải nhựa và nilon, Bộ TN&MT đã, đang và sẽ triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào một số nội dung chính. Cụ thể là triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội tăng cường triển khai các hoạt động giám sát, kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong việc hạn chế sử dụng và thải bỏ chất thải nhựa và nilon. Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội, doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh phân phối và bán lẻ cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện môi trường, các sản phẩm có khả năng tái chế tái sử dụng, khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó, có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kêu gọi cộng đồng và toàn xã hội cùng thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa, hướng đến nói không với nhựa và nilon.
PV: Thực tế, nhiều năm qua, thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là túi nilon khiến các cơ quan chức năng phải xử lý tốn kém, tốn thời gian. Vậy, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới được Bộ TN&MT và các địa phương tổ chức đồng loạt trên cả nước mong muốn truyền đến thông điệp gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Tài: Một khối lượng lớn rác thải nhựa phát sinh từ đời sống thường nhật, đó là túi nilon, vỏ lon nước, các cốc hộp dùng một lần. Kiểm soát các hành vi tiêu dùng kém bền vững này sẽ hạn chế được rất nhiều rác thải nhựa vào môi trường.
Như tôi đã đề cập, chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, Chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” trong Ngày Môi trường thế giới năm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế dần và tiến đến loại bỏ túi nilon. Các hoạt động hưởng ứng diễn ra từ Trung ương đến địa phương cũng hướng vào thông điệp: Nếu không thể tái chế, bạn hãy hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa!
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.