Indonesia mở chiến dịch "đổi rác lấy vàng"

18/10/2019 05:00 Quản lý nguồn thải
Ở Bắc Jakarta, 70 kg vỏ lon, tương đương với khoảng 4.500 vỏ lon rỗng, có thể đem đổi lấy 1 gam vàng tại Ngân hàng Tái chế Wijaya Kusuma.
Ứng dụng MyMizu giúp tìm điểm uống nước miễn phí Chưa đầy 20% các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh Đường giao thông từ phế liệu nhựa đầu tiên tại Việt Nam

Ngân hàng Tái chế Wijaya Kusuma được thành lập với một nhiệm vụ rất đơn giản - đó là khuyến khích người dân địa phương tái chế và hạn chế rác thải. Sau khi người dân gửi những đồ tái chế ở đây, ngân hàng sẽ bán chúng cho chính quyền Bắc Jakarta. Ngân hàng do một số bà nội trợ của khu phố quản lý, mở cửa vào thứ Ba hằng tuần từ 9h sáng cho đến trưa.

Vào tháng 4/2019, một hiệu cầm đồ có tên là PT Pegadaian đã đề nghị hợp tác với ngân hàng tái chế này và 4 ngân hàng tái chế khác ở Jakarta để thực hiện chương trình "đổi rác lấy vàng" cho người dân địa phương.

Giám đốc Sở Môi trường Jakarta, ông Slamet Riyadi hoan nghênh ý tưởng này, cho đây là một động lực để người dân tái chế rác thải. "Phụ nữ, những người thường xuyên phải chăm lo cho gia đình, chắc hẳn sẽ thấy chương trình này hấp dẫn" - ông nói.

indonesia mo chien dich doi rac lay vang
Người dân địa phương hào hứng tham gia chương trình.

"Trước khi hợp tác với hiệu cầm đồ, ngân hàng có khoảng trên 30 khách hàng. Nhưng sau đó, số người tham gia đã là 105 người" - ông Riyadi cho biết thêm.

Ngoài Jakarta, chương trình "đổi rác lấy vàng" cũng được thực hiện tại các thành phố khác của Indonesia như Palembang, Bandar Lampung và Makassar.

Sáng kiến này được các nhà môi trường ca ngợi là góp phần trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ở Indonesia - nước đứng thứ hai về ô nhiễm chất thải nhựa trên thế giới, sau Trung Quốc.

Khi người dân mang rác thải đến, các nhân viên sẽ cân và ghi lại vào sổ cũng như trên hệ thống của ngân hàng. Tùy vào số lượng rác mà người dân sẽ nhận được số tiền tương ứng từ các nhân viên trực ban. Chẳng hạn, 1 kg bìa cứng sẽ có giá 1.200 rupia (0,08 USD), hoặc 1 kg chai nhựa sạch trị giá 3.000 rupiah. Vỏ lon nhôm được coi là mặt hàng có giá trị nhất với mỗi kg bán được 10.000 rupiah.

Nếu người dân muốn đổi rác lấy thứ giá trị hơn, như vàng chẳng hạn, thì họ phải gửi tiền mặt cho nhân viên cầm đồ. Sau đó, khi đã tiết kiệm đủ số tiền cho 5 gam vàng dựa trên giá thị trường, họ có thể đến tiệm cầm đồ để mang vàng về nhà. Một gam vàng hiện có giá khoảng 700.000 rupiah.

Ngân hàng cũng đặt một chiếc xe để thu gom rác tái chế hai tuần một lần dành cho những người không có thời gian mang đồ đến các cơ sở của họ. Những ngân hàng tái chế như thế này đã thay đổi thói quen của người dân, từ chỗ vứt rác thành tiết kiệm rác.

"Thay vì vứt rác đi, chúng tôi có thể tiết kiệm và kiếm ra tiền" - ông Nidra, một người dân tham gia chương trình cho biết.

"Để nhận được vàng, người dân cần thu thập rất nhiều rác thải. Xét về khía cạnh tài chính, nó chẳng đáng là bao" - ông Budi Winarko, một trong những người sáng lập ra Ngân hàng Tái chế cho biết. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngân hàng đã thúc đẩy người dân nâng cao nhận thức về môi trường.

"Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là có nhiều khách hàng hơn, nhưng mục tiêu dài hạn là không còn rác thải. Việc người dân tích lũy rác thải để đổi được nhiều vàng hơn là điều có thể chấp nhận được, quan trọng là họ được giáo dục về tầm quan trọng của việc giảm thiểu và tái chế rác thải" - ông nói.

Vũ Phong
Theo VGP
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động