Chưa đầy 20% các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh

09/10/2019 05:00 Tác động môi trường
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghệ Việt Nam nêu lên một loạt các chỉ số đáng báo động về thực trạng thu gom và xử lý rác thải trên cả nước.
Hành trình rác thải nhựa Mỹ đến với "đồng nát" châu Á: Bí mật "bốc mùi" Ngành Y thải ra môi trường 22 tấn rác nhựa mỗi ngày Xài nhựa không nhiều nhưng VN lại xả rác nhựa hàng top thế giới

Ngày 8/10, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra triển lãm quốc tế về cấp nước và xử lý chất thải tại Việt Nam. Tại đây, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nêu lên một thực tế đáng báo động là "chỉ chưa đến 20% tổng số các bãi chôn lấp rác trên cả nước đáp ứng các quy chuẩn hợp vệ sinh".

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, ngoài ra còn rất nhiều bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã. Trong đó chỉ có 128 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, tức chưa đạt được 20% trên tổng số.

chua day 20 cac bai chon lap rac hop ve sinh
Chỉ có 75-80% rác thải được thu gom - Ảnh minh họa.

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cũng nêu lên một loạt các thống kê đáng báo động khác, như: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 830 đô thị, chất thải rắn phát sinh hằng năm khoảng 14 triệu tấn, trong đó rác thải đô thị khoảng 38.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ thu gom rác thải sinh hoạt bình quân cả nước chỉ đạt 75-80%.

Nguyên nhân khiến tỉ lệ thu gom rác thải không thể đạt được mức cao hơn là do công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các thành phố lớn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hầu như, các hoạt động việc thu gom, vận chuyển rác thải vẫn theo phương thức truyền thống thủ công, bán cơ giới.

Bên cạnh đó, việc phân loại rác cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp người dân phân loại rác nhưng người thu gom lại đổ chung với nhau, dẫn đến công tác phân loại rác chưa hiệu quả.

chua day 20 cac bai chon lap rac hop ve sinh
Chưa đầy 20% các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh - Ảnh minh họa.

Về hình thức xử lý rác thải sinh hoạt bằng đốt, trên cả nước có khoảng 200 lò đốt rác, đa số là những lò có công suất nhỏ 5-10 tấn/ngày. Số lượng rác còn lại chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp và hơn 80% trong số đó không hợp vệ sinh

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng đánh giá: "Ở các bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh có chứa nhiều chất thải gây hại như pin, ác quy, thuốc… gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Hiện chúng ta phải hạn chế việc chôn lấp vì quỹ đất không còn nữa, phải hướng tới việc tái chế rác thải như đốt rác chuyển hóa thành năng lượng, tái chế nhựa, chế tạo phân vi sinh…".

Theo Công văn số 3680/BTNMT-TCMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về việc công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, chính các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong các lưu vực sông.

Hồi giữa tháng 8, tại một hội nghị do Bộ TNMT tổ chức, ông Jorg Ruger - người phụ trách môi trường của Đại sứ quán Đức chỉ ra rằng, gần 50 năm trước đây, nước Đức cũng sử dụng biện pháp chôn lấp rác như Việt Nam hiện tại với 50.000 bãi chôn lấp rác. Nhưng đến nay Đức đã dần loại bỏ phương pháp này.

Duy Khang (T/H)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động