Lào Cai:

Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng khuyến khích công nghệ giảm thiểu ô nhiễm

06/06/2020 11:43 Địa phương
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo cơ chế chính sách để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư khai thác nguồn nguyên vật liệu xây dựng; sử dụng hợp lý tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tạo công ăn việc làm cho người lao động..., UBND Tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2022, định hướng đến năm 2030.
Những điểm mới trong quản lý sản xuất vật liệu xây dựng
ke hoach phat trien vat lieu xay dung khuyen khich cong nghe giam thieu o nhiem
Lào Cai khuyến khích đầu tư dây chuyền khai thác đá với công suất lớn hơn 100.000 m3/năm.

Quan điểm chỉ đạo của Kế hoạch, bao gồm: Phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2022, phải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; Tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, sản xuất VLXD có nguồn nguyên liệu tại chỗ; Phát triển sản xuất với quy mô hợp lý, công nghệ sản xuất tiên tiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ít sử dụng tài nguyên; Tổ chức sắp xếp lại, đầu tư phát triển các cơ sở khai thác, sản xuất nhỏ lẻ cơ sở có quy mô công nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ sở chuyển đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tiên tiến; Giữ nguyên các cơ sở sản xuất đã được cấp phép hoạt động; tiếp tục triển khai các dự án đã có dự kiến đầu tư đến năm 2022, định hướng đến năm 2030.

Nội dung kế hoạch xác định các chủng loại sản phẩm, bao gồm: Xi măng, vật liệu xây dựng, đá xây dựng, cát xây dựng, vôi, bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông đúc sẵn.

Theo đó, vật liệu xi măng giữ nguyên quy hoạch thăm dò, khai thác các mỏ dự án xi măng tại phường Thống Nhất, thành phố Lào Cai và thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, xã Pha Long, huyện Mường Khương.

Vật liệu xây dựng được xác định nhu cầu đến năm 2020 là 300 triệu viên/năm, dự báo nhu cầu vật liệu xây tăng đều hàng năm 2% - 3%. Định hướng đến năm 2030 đảm bảo cân đối giữa vật liệu xây không nung trên tổng sản phẩm vật liệu xây; ưu tiên đầu tư vật liệu xây không nung loại nhẹ, đa dạng chủng loại, phù hợp công nghệ tiên tiến.

Đá xây dựng xác định nhu cầu năm 2020 là 2,0 triệu m3 và tăng dần hàng năm từ 2%-3%, định hướng phát triển đảm bảo cung không vượt quá cầu. Các đơn vị khai thác đá đảm bảo cung không vượt quá cầu, khai thác đá phải đảm bảo công suất thiết kế đã đăng ký. Khuyến khích đầu tư dây chuyền khai thác với công suất không nhỏ hơn 100.000 m3/năm. Công nghệ khai thác hiện đại, đồng bộ và không khai thác đá ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan.

Cát xây dựng là một trong những thế mạnh của tỉnh và được xác định sẽ sử dụng khoảng 1,1 - 1,2 triệu tấn trong năm 2020, dự báo nhu cầu cát xây dựng tăng dần hàng năm từ 1,5% – 2%. Các doanh nghiệp khai thác cần thực hiện nghiêm quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong công tác cấp phép, quản lý, hoạt động khai thác cát. Đặc biệt, phải đưa công nghệ khai thác, chế biến có hệ thống xử lý giảm hàm lượng bụi, bùn, sét; phải có biện pháp quản lý để không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy, không gây sạt lở bờ sông suối.

Vật liệu Vôi tiếp tục duy trì hoạt động với 2 dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp cơ giới hóa, gắn liền với các dự án sản xuất hóa, chất phân bón và luyện kim với tổng công suất 160 tấn/ ngày.

Bê tông thương phẩm theo tính toán đến năm 2020, tổng công suất thiết kế bê tông thương phẩm là 420.000m3/năm; công suất này chưa đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Do vậy cần ưu tiên quy hoạch các cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp hoặc khu vực ngoại thành gần các khu trung chuyển để đảm bảo an toàn và môi trường

Cấu kiện bê tông đúc sẵn (gồm cọc bê tông cốt thép và cột điện bê tông), đến năm 2020, tổng công suất thiết kế cọc bê tông cốt thép là 65.000 m/năm; cột điện bê tông là 5.000 cột/năm. Công suất này đã đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Giai đoạn 2020 – 2022, tầm nhìn 2030, tiếp tục duy trì hoạt động của 07 cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông hiện có và ưu tiên đầu tư công nghệ và đầu tư về dây chuyền sản xuất đa dạng hóa sản phẩm bê tông cấu kiện.

Tỉnh Lào Cai giao Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng theo kế hoạch đã được phê duyệt.Chủ trì thẩm định quy hoạch chi tiết các dự án phát triển vật liệu xây dựng về đầu tư xây dựng mới các cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hướng dẫn các quy định của pháp luật về kinh doanh vật liệu xây dựng đối với tổ chức, cá nhân. Kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được sản xuất, lưu thông và đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường, tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sảnlàm VLXD thông thường trên cơ sở kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2022, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt; quản lý, hướng dẫn, tham mưu các thủ tục về đất đai, môi trường các dự án phát triển VLXD. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy chức năn nhiệm vụ phối hợp thực hiện quản lý các cơ sở sản xuất, khai thác VLXD trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn lao động. Căn cứ danh mục các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường này thực hiện việc rà soát và đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật....

Thu Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động