Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế chất thải

03/11/2020 16:44 Tác động môi trường
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế chất thải cần những giải pháp đồng bộ; trong đó, chú trọng cải tiến kỹ thuật góp phần giảm lượng nước thải ra môi trường.
Hà Nội: Nhiều giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề
khac phuc tinh trang o nhiem moi truong tai cac lang nghe tai che chat thai
Hoạt động tái chế phế liệu của các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh: MH

Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội cũng có gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê, đến nay trên địa bàn TP. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề với 305 làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ. Nhóm làng nghề tái chế chất thải, đặc biệt là tái chế chất thải nhựa chủ yếu tập trung tại 2 làng nghề Trung Văn và Triều Khúc, nằm ở vị trí gần trung tâm Thủ đô.

Công nghệ thu gom tái chế tại hai làng nghề tái chế chất thải là sử dụng nước trong một số công đoạn như xay nghiền, tạo hạt và làm sạch phế liệu. Các chất thải nhựa được thu gom và phân loại. Sau đó, nguyên liệu được xay rửa (hoặc xay khô) và phơi khô, tạo hạt. Để sản xuất túi ni lông, người ta dùng hạt nhựa này bổ sung thêm bột màu theo tỷ lệ 0,1% vào thùng chứa, sau đó gia nhiệt nấu chảy nhựa và đẩy đến bộ phận cán kéo, tạo màng bằng trục vít. Quá trình sản xuất dây thừng cũng tương tự như sản xuất túi ni lông. Nhựa sau khi ép đùn thành sợi được làm nguội bằng nước lạnh qua một hệ thống trục nén, sau đó được gia nhiệt lần hai để kéo dãn sản phẩm, cuối cùng được đưa qua hệ thống trục cán trước khi được cuộn thành sản phẩm.

Nhìn chung, quy trình sản xuất của 2 làng nghề nói trên vẫn theo phương pháp thủ công. Các chất thải tập hợp được cơ sở phân loại, rồi xay rửa (hoặc xay khô), không có hệ thống sấy mà được phơi khô ngoài trời và đưa vào thùng chứa tạo hạt. Trong quá trình hoạt động, nước thải phát sinh không qua xử lý, chảy thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế chất thải, trong Báo cáo rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề năm 2019, Sở Tài nguyên & Môi trường đã đưa ra một số nhóm giải pháp. Trước mắt là các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh, tái chế chất thải nhựa. Trong đó, vấn đề xử lý nước thải đối với từng hộ gia đình được triển khai thực hiện bằng cách xây một hố ga lắng sơ bộ các chất lơ lửng nhằm giảm lượng bùn ở cống rãnh thoát nước chung. Sau đó, toàn bộ lượng nước thải được dẫn ra là các ao hồ tự nhiên. Người dân có thể tận dụng các ao hồ để xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học.

Về xử lý khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại các cơ sở tái chế nhựa thì lắp đặt hệ thống quạt thông gió trong các nhà xưởng sản xuất để loại bỏ ô nhiễm hữu cơ bằng tháp than hoạt tính trước khi xả ra môi trường.

Rác thải ở làng nghề nhựa có thể giải quyết theo hướng tạo ra các loại vật liệu mới từ hỗn hợp các loại nhựa thải kém phẩm chất. Việc tái sinh chất dẻo theo phương pháp mới cho phép chế biến tất cả các loại vật liệu chất dẻo có điểm nóng chảy khác nhau từ 60 - 400oC. Phương pháp này còn cho phép trộn thêm vào chất dẻo thải tới 50% nhiều loại vật liệu thải khác như cao su, mùn cưa, giấy... Các vật liệu mới này có thể được ép hay đúc gia công trong máy ép đùn.

Về lâu dài, thì cần phải áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn cho làng nghề tái chế nhựa. Chú trọng cải tiến kỹ thuật từ khâu trộn bột màu với hạt nhựa giúp giảm được lượng bột màu phát tán đến cải tiến máy xay nhựa nhằm tăng hiệu quả gia công, giúp tăng năng suất, giảm tiêu hao nước, khi đó lượng nước thải ra môi trường sẽ giảm. Ưu tiên tuần hoàn nước làm nguội để cấp cho quá trình giặt, xay nghiền nhựa giúp tiết kiệm nước.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân làng nghề tái chế chất thải hiểu được những tác hại trong sản xuất gây ra với chính họ và cộng đồng, buộc họ sẽ thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường làng nghề...

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động