Khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên trên địa bàn thành phố
Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar được xây dựng trong khuôn viên nhà máy hiện hữu ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi, rộng 30 ha.
Giai đoạn 1 của dự án có công suất xử lý 2.000 tấn rác mỗi ngày, đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào vận hành. Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng dây chuyền để tăng công suất lên thêm 2.000 tấn rác mỗi ngày, đạt 100% công suất, hoàn thành trong năm 2021.
Công ty đã đầu tư 120 triệu USD cho nhà máy hiện hữu và sẽ đầu tư thêm gần 300 triệu đô la Mỹ để hoàn thành kế hoạch đổi mới công nghệ xử lý, từ chôn lấp sang đốt phát điện với công nghệ Martin của Đức, hệ thống khép kín không phát tán mùi hôi, không cần chờ phân loại tại nguồn.
Các lãnh đạo, khách mời thực hiện nghi thức động thổ dự án. |
Các hoạt động đều dùng công nghệ tự động, trên cơ sở vật chất, đất đai có sẵn nên tiến độ xây dựng nhà máy điện rác sẽ rất nhanh, chỉ trong một năm rưỡi.
Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý chủ yếu theo phương pháp chôn lấp gây phát sinh mùi hôi. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom hàng năm đã tăng nhanh theo sự phát triển chung của thành phố.
Vì vậy, việc những công ty hiện hữu, hay những dự án xây dựng mới chủ động đầu tư các công nghệ mới vào quy trình xử lý rác là việc làm hết sức cấp thiết để đáp ứng nhu cầu xử lý rác, bên cạnh đó còn hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh: “Việc khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện là dấu mốc rất quan trọng, áp dụng một công nghệ tiên tiến trên thế giới xử lý chất thải sinh hoạt và thu hồi năng lượng theo chủ trương của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và chỉ đạo của UBND thành phố. Sự kiện này cũng đánh giá sự hưởng ứng tích cực, nỗ lực, cầu thị của doanh nghiệp đang xử lý chất thải sinh hoạt cho thành phố trong giải quyết các vấn đề môi trường theo hướng phát triển bền vững".
Thành phố xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được trong giai đoạn 2020-2021 là 98MW, đến 2025 là 138MW và đến 2030 có thể lên đến 198MW.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tin tưởng rằng, sau buổi khởi công ngày hôm nay, Công ty Cổ phần VietStar và các công ty xử lý rác thải hiện hữu của thành phố sẽ chấp thuận chuyển đổi công nghệ, để chung tay, nỗ lực góp phần hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất, an toàn tuyệt đối công trình, hoàn thành chỉ tiêu đến cuối năm 2020 khoảng 50% khối lượng rác thải phát sinh tại thành phố được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện.
Thành phố cam kết sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp triển khai dự án và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án thành công tại TPHCM”.
Trong tháng 10 và tháng 11, TP.HCM tiếp tục sẽ có 2 nhà máy đốt rác phát điện được khởi công.
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.