Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi): Một trung tâm kinh tế biển năng động trong tương lai
Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. |
Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư đạt khoảng 1,12 tỷ USD. Lũy kế đến nay, có 347 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 18,56 tỷ USD; trong đó có 58 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,85 tỷ USD và 289 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 353.513 tỷ đồng (khoảng 16,71 tỷ USD). Có 249 dự án đi vào hoạt động. |
Theo số liệu so sánh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản năm 2022 giữa Khu kinh tế Dung Quất với các Khu kinh tế, Khu công nghiệp của 11 tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, giúp chúng ta nhận diện rõ vị thế và triển vọng của Khu kinh tế Dung Quất. Cụ thể, về thu hút đầu tư và giá trị sản xuất, Khu kinh tế Dung Quất xếp thứ nhất, cao hơn lần lượt là 2,5 lần và 5,6 lần so với đơn vị đứng thứ hai là Khu kinh tế tỉnh Bình Định. Về giá trị thu ngân sách nhà nước, Khu kinh tế Dung Quất xếp thứ nhất và cao hơn 3,2 lần so với đơn vị đứng thứ hai là Khu kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam; và cao hơn 1,5 lần tổng giá trị của 10 Khu kinh tế còn lại. Riêng giá trị xuất nhập khẩu xếp thứ nhất và cao hơn 1,1 lần so với đơn vị đứng thứ hai là Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. |
Ngày 28/2/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 với diện tích 45.332 ha. Trong đó, diện tích đất liền theo đồ án điều chỉnh khoảng 33.581ha, diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.492 ha (hiện trạng phần đảo nổi và không gian phát triển mới) và diện tích mặt nước khoảng 10.711 ha.
“Quảng Ngãi tập trung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Lấy con người làm mục tiêu phục vụ cao nhất, trong đó tập trung hỗ trợ người lao động và nhân dân trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống. Đích đến cuối cùng là đảm bảo công bằng xã hội, người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả phát triển của Khu kinh tế Dung Quất”. Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương |
Khu kinh tế Dung Quất được chia thành 5 phân khu chức năng, đó là: phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và phân khu đô thị Lý Sơn. Tổng thể Khu kinh tế sẽ phát triển không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn và giàu bản sắc dựa trên cấu trúc cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, đồi núi, sông, hồ, biển, hải đảo.
Theo ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì đây sẽ là căn cứ để tỉnh Quảng Ngãi tổ chức rà soát và lập ra chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển các khu chức năng, phát triển đô thị, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, kể cả quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch cảng hàng không trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.
NMLD Dung Quất hoạt động ổn định, góp phần thúc tăng trưởng kinh tế của KKT Dung Quất |
Hiện tại, Khu kinh tế Dung Quất đã có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế, như sản phẩm hóa dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Kể từ khi hoạt động (năm 2009) đến nay, sản lượng của nhà máy đạt 76 triệu tấn, cung cấp hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước và hiện đang thực hiện dự án nâng công suất từ 6,5 lên 7,6 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong quý I/2028. Sản phẩm của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất 6 triệu tấn/năm và hiện đang triển khai đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm...
Việc xác định tầm nhìn, mô hình tăng trưởng, các dự báo phát triển, định hướng phát triển các khu chức năng, định hướng phát triển đô thị, các ngành lĩnh vực, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển du lịch biển - đảo, các ngành dịch vụ gắn với tiềm năng lợi thế sẵn có như: cảng biển, sân bay, đường bộ cao tốc, đường sắt quốc gia… trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 là phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từ đó, Quảng Ngãi sẽ xây dựng Khu kinh tế Dung Quất theo định hướng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giúp nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế, gia tăng cơ hội, vượt qua thách thức, đứng vững trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước, Quảng Ngãi dành nguồn lực tài chính thỏa đáng để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi để nhà đầu tư an tâm hoạt động tại Khu kinh tế Dung Quất./.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO