Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

10/12/2019 15:47 Chính sách - Pháp luật
Nhằm xây dựng một thị trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, lành mạnh, bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước đối với thị trường hàng hóa nói chung và thị trường mặt hàng xăng dầu nói riêng, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành rà soát và khẩn trương triển khai các bước xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Công tác bảo vệ môi trường ngành Xăng dầu
lay y kien sua doi bo sung nghi dinh so 832014nd cp ve kinh doanh xang dau
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/12/2019, rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương...), doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam...) và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tham gia và đóng góp ý kiến trao đổi thẳng thắn.

Nhận định về kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu trong nước được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành linh hoạt, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật. Tính công khai, minh bạch trong điều hành kinh doanh xăng dầu được bảo đảm. Nguồn cung xăng dầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tiêu dùng của nhân dân.

Ông Trần Duy Đông cũng đã chỉ ra 3 yếu tố chính cho thấy tính cần thiết phải sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Một là sự thay đổi về năng lực sản xuất và cung ứng xăng dầu trong nước, thời điểm xây dựng Nghị định 83, nguồn xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu (tới 75-80%), nhưng hiện nay nguồn cung từ sản xuất trong nước đã chiếm 70-75% tổng nguồn cung. Vì vậy việc điều hành, công thức tính giá cơ sở cũng phải thay đổi theo, để phản ánh đúng nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu. Thứ hai, trong 5 năm vừa qua, Việt Nam gia nhập cũng như ký rất nhiều các hiệp định thương mại FTAs (như VTFTA với Hàn Quốc, ATIGA với ASEAN hay Việt Nam – Trung Quốc…) dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan (Trung Quốc, ASEAN là 20%; Hàn quốc 10%...) đòi hỏi phải sửa công thức tính giá cơ sở để phản ánh được thực tiễn. Thứ ba là thể chế của Việt Nam với chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp khác tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu. Những yếu tố đó đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong một môi trường cạnh tranh công khai, minh bạch.

Dự kiến, Nghị định 83/2014/NĐ-CP sẽ được sửa đổi theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu và thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chi phối. Việc sửa đổi vẫn theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, muốn điều tiết và can thiệp thị trường vẫn cần phải có công cụ. Công cụ ở đây là Quỹ bình ổn giá, nên vẫn sẽ duy trì hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, dự kiến sẽ sửa đổi 8 nội dung chính Nghị định 83/2014/NĐ-CP, như sau: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu;, Về quản lý chất lượng xăng dầu và rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để thống nhất cách hiểu trong khuôn khổ Nghị định này....

Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Nghị định sửa đổi theo hướng phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo sự đồng thuận của đông đảo doanh nghiệp và người dân.

Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động