Long An: Xử phạt không phân loại rác thải sinh hoạt từ 1/1/2025

20/08/2024 07:45 Quản lý nguồn thải
Các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng trong vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các trường hợp không phân loại chất thải sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 75, 79 của Luật BVMT số 72/2020/QH14 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn chậm nhất ngày 31/12/2024.

Long An: Xử phạt không phân loại rác thải sinh hoạt từ 1/1/2025
Thùng ủ Compost cộng đồng sau khi phân loại tại nguồn do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam tài trợ trong chương trình phát động mô hình phân loại rác tại nguồn cho khu vực nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Long An.

Cũng theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, trong khuôn khổ dự án quản lý chất thải rắn tỉnh Long An do Tổ chức WWF – Việt Nam hỗ trợ thực hiện, Long An đã thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn ở khu vực đô thị (phường 3, TP.Tân An) và khu vực nông thôn tại huyện Vĩnh Hưng.

Chương trình thu được một số kết quả, đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong công tác triển khai và sẽ nhân rộng phân loại rác tại nguồn trên địa bàn trong thời gian tới.

Theo số liệu ghi nhận từ cuối năm 2023, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được dao động từ 850 - 870 tấn/ngày. Và dự báo, lượng chất thải rắn sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên& Môi trường Nguyễn Tân Thuấn, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới, giúp thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu.

Và quan trọng là giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước làm thay đổi hành vi của người dân về vấn đề phân loại rác thải sinh hoạt, tuân thủ Luật BVMT năm 2020, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường…

Được biết, thông qua Dự án “Quản lý rác thải ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho việc thí điểm phân loại rác tại nguồn khu vực nông thôn, bao gồm 3.450 thùng rác hộ gia đình, 200 thùng ủ compost hộ gia đình, 3 thùng ủ compost cộng đồng công suất lớn 3000L kèm theo nhà bảo vệ và đường điện vận hành, 157 thùng rác công cộng, 16 xe đẩy tay, 2 xe tải thu gom rác và 1 dây chuyền sản xuất phân hữu cơ công suất 5 tấn/ngày...

Lê Lĩnh

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động