Mùa hồng trên cao nguyên Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu ái với những cảnh quan đặc sắc, với nhiều phong cảnh đẹp, hệ thống hang động, thác nước, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, như: Hang Dơi, Ngũ động Bản Ôn, thác Dải Yếm, thác Tạt Nàng, thác Nàng Tiên, rừng thông bản Áng, núi Pha Luông, hệ thống suối nước nóng tại bản Phụ Mẫu… Nơi đây còn là vùng đất của nhiều loài hoa, nổi bật là hoa đào, mận, hoa ban, hoa cải trắng hay những đồi chè xanh ngát là điểm nhấn thu hút du khách đến với cao nguyên Mộc Châu.
Mùa hồng trên cao nguyên Mộc Châu. |
Đắm say bên những vườn hồng
Qua những mùa hoa là tới lễ hội hái quả, cao nguyên Mộc Châu chẳng khi nào thiếu hoa thơm trái ngọt để gối lên nhau đi suốt 12 tháng trong năm. Chín muộn hơn so với những trái hồng đỏ dịp Trung thu, mùa hồng chín ở Mộc Châu thường rơi vào khoảng tháng 9 đến tháng 12, khi tiết trời bắt đầu trở lạnh. Khác với nhiều loại trái cây chín vườn, bước chân vào vườn hồng ở Mộc Châu lúc này du khách sẽ tha hồ ngắm cảnh, chụp ảnh chứ không thể hái trái và thưởng thức ngay được. Lý do là vì loại hồng này có vị chát, thường sẽ được chế biến thành hồng ngâm hoặc treo gió mới có được hương vị ngọt mát, thanh, hương thơm dịu nhẹ. Nhưng thay vì cảm giác mê say hái trái, sức hấp dẫn của khung cảnh rừng núi hoang sơ có phần ảm đảm của mùa đông lại được tô điểm bởi những cây hồng chín vàng trĩu quả.
Dạo quanh những con đường thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã Tân Lập… du khách sẽ bắt gặp những vườn hồng quả trĩu cành, không lá, nổi bật, đầy hấp dẫn. Hồng ở Mộc Châu có nhiều loại, từ hồng đỏ, hồng giòn và hồng chát. Nếu như quả hồng đỏ khi chín có dáng hơi thuôn dài, màu đỏ đậm và vị ngọt lịm; giống hồng giòn có màu vàng cam, quả dẹt hơi vuông, thơm dịu, ngọt thanh và giòn. Còn hồng chát hay còn gọi là hồng ngâm, hồng treo gió, hình dáng quả và màu sắc gần giống hồng giòn, tuy nhiên trước khi ăn phải ngâm với nước từ 2 đến 3 ngày.
Sức sống của vùng đất trù phú Mộc Châu khiến cho loài cây nào đơm hoa kết trái ở đây đều có thể trở thành đặc sản. Vườn hồng ở đây phủ kín từng rặng cây sai trĩu quả nối tiếp nhau nằm bên triền đồi hoang sơ, thơ mộng. Ở một số bản làng, những cây hồng khoe trái bên những gốc đào rừng, mận trắng đang nhú những bông hoa đầu tiên báo xuân sớm. Không chỉ là sản phẩm đốc đáo để du khách thưởng thức và mua về làm quà, mùa hồng chín trên cao nguyên còn thu hút du khách tới chụp ảnh check-in, hòa mình vào thiên nhiên nên thơ, riêng có. Để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, nhiều hộ gia đình ở Mộc Châu đã dành những vườn hồng đẹp nhất, chỉnh trang, tạo không gian đón du khách.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ trên cao nguyên Mộc Châu
Thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, đến nay, huyện Mộc Châu có 2.150 ha chè, trên 10.400 ha cây ăn quả các loại, hơn 3.000 ha rau màu… Toàn huyện đã có khoảng 80 ha nhà kính, nhà lưới; hơn 500 ha ứng dụng tưới tiết kiệm; hơn 350 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp bình quân toàn huyện năm 2023 đạt 80,3 triệu đồng/ha/năm; tại các vùng ứng dụng công nghệ cao đạt 250 triệu đồng/ha. Nâng cao giá trị nông sản, huyện Mộc Châu luôn quan tâm xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của địa phương, như: Sản phẩm chè, sản phẩm sữa, các loại quả như: Mận, hồng giòn, bơ, cam…
Huyện Mộc Châu khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng các mô hình phục vụ phát triển du lịch, như: Tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi; du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây rau màu… Hằng năm, huyện đã và đang duy trì các hoạt động sự kiện lễ hội gắn với nông nghiệp, nhằm tôn vinh những hội viên nông dân và sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của du khách với những trải nghiệm thú vị, như: Hội thi “Hoa hậu” bò sữa; Hội chợ thương mại hàng nông sản…
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ, không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, mà còn là giải pháp tốt để quảng bá hình ảnh sản phẩm nông nghiệp đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn cho cao nguyên Mộc Châu.
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.