Năm 2020, dự toán thu nội địa sẽ chiếm 83,6% tổng thu
Dự kiến chi cho đầu tư phát triển trong năm 2020 sẽ có tỉ trọng cao nhất từ năm 2016 đến nay. Ảnh: TL. |
Dự toán thu năm 2020 là hơn 1,5 triệu tỉ đồng
Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ khó khăn hơn năm 2019 do những rủi ro, thách thức từ sự leo thang căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, tình hình biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, sắc tộc, biên giới gây bất ổn cho môi trường phát triển kinh tế. Trước những rủi ro nêu trên, phần lớn các tổ chức quốc tế đều thận trọng khi đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.
Đối với tình hình kinh tế trong nước, cũng có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017 - 2020, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, do đó ngành Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất các mục tiêu tài chính - NSNN giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NSNN gắn với sắp xếp phù hợp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.
Dự toán NSNN năm 2020 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng dưới 4%; giá trị GDP khoảng trên 6,8 triệu tỉ đồng; giá dầu thô 60 USD/thùng, sản lượng khai thác trong nước khoảng 9,02 triệu tấn; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7%, nhập khẩu khoảng 9%.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự kiến dự toán thu cân đối NSNN năm 2020 là 1.512,3 nghìn tỉ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019, tăng 7,2% so với dự toán năm 2019. Tỉ lệ huy động vào NSNN khoảng 22,2%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19,4%GDP.
Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.264,1 nghìn tỉ đồng, chiếm 83,6% tổng thu cân đối NSNN; trong đó: thu tiền sử dụng đất 95,9 nghìn tỉ đồng, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 31,7 nghìn tỉ đồng, thu nội địa từ thuế, phí đạt 1.018,1 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 12,5% so với ước thực hiện năm 2019 (đã loại trừ một số nguồn thu lớn đã đi vào ổn định, khó có mức tăng trưởng cao).
Dự toán thu dầu thô là 35,2 nghìn tỉ đồng, giảm 11,6 nghìn tỉ đồng (-25%) so với ước thực hiện năm 2019; trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước là 9,02 triệu tấn, giá dự toán 60 USD/thùng.
Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 208 nghìn tỉ đồng, giảm 3 nghìn tỉ đồng (-1,4%) so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 13,8% tổng thu cân đối NSNN và giảm dần qua các năm.
Dự toán thu viện trợ là 5 nghìn tỉ đồng.
Chi hơn 470 nghìn tỉ đồng cho đầu tư phát triển
Cùng với dự toán thu, chi NSNN năm 2020 cũng được dự toán theo nguyên tắc, định hướng bố trí tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển (ĐTPT) trong tổng chi NSNN, ưu tiên bố trí tăng chi ĐTPT của ngân sách trung ương (NSTW); bố trí đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với quyết tâm thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với đó, thực hiện bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn. Quản lý chặt chẽ các khoản vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; thực hiện cải cách tiền lương theo phương án từ ngày 1/7/2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 7,38%), lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm.
Với nguyên tắc, định hướng như trên, dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2020 là 1.747,1 nghìn tỉ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2019, bằng 25,7%GDP. Trong đó: dự toán chi ĐTPT là 470,6 nghìn tỉ đồng, tăng 9,6% so dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi NSNN và là năm có tỉ trọng cao nhất từ năm 2016 đến nay.
Dự toán chi trả nợ lãi là 118,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 6,8% tổng chi NSNN.
Dự toán chi thường xuyên là 1.056,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 60,5% tổng chi NSNN, giảm dần qua các năm (dự toán các năm 2017, 2018 và 2019 tương ứng là 64,4%, 61,8% và 61,2%).
Dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế: 61,5 nghìn tỉ đồng, đảm bảo nguồn để từ ngày 1/7/2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 7,38%); lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng.
Tỉ lệ bội chi NSNN năm 2020 dự kiến là 3,44%GDP (tương ứng 234,8 nghìn tỉ đồng), giảm dần qua các năm; trong đó bội chi NSTW là 3,2%GDP và bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 0,24%GDP.
Bình quân bội chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 là 3,6 - 3,7%GDP, vượt mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 là tỉ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9%GDP, năm 2020 không quá 3,5%GDP.
Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP.
Đảm bảo tính bền vững của ngân sách
Để đạt được các cân đối ngân sách nêu trên, Bộ Tài chính đề ra nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Tiếp tục mục tiêu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối ngân sách, đảm bảo tính bền vững, gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện đến xây dựng và triển khai dự toán NSNN năm 2020 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2020 - 2022.
Các nhóm giải pháp tiếp theo đó là: kiên định thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; tiếp tục phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.