Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ
Ngày 14/11, tại TP Đà Nẵng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường, Tạp chí Công nghiệp môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành công thương khu vực Nam Trung Bộ” |
Hội nghị với sự tham dự của ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; ông Nguyễn Văn Toán, Chánh Văn phòng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường, Tổng Biên tập Tạp chí Công nghiệp môi trường; bà Nguyễn Thị Liên, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường); ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng; Lãnh đạo các phòng chuyên môn của Cục ATMT, Sở Công Thương Đà Nẵng, Hiệp hội Công nghiệp môi trường, các báo cáo viên chuyên môn giàu kinh nghiệm và thực tiễn của Bộ Công Thương; cùng hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngành Công Thương thuộc các tỉnh thành khu vực Nam Trung Bộ.
Chia sẻ kinh nghiệm thực thi chính sách bảo vệ môi trường của ngành công thương
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) đã chủ trì và phối hợp, tham mưu với các cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trong toàn Ngành, cùng với đó tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo chuyên đề để tập huấn, phổ biến, nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực khác nhau tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Theo đó, Hội nghị lần này đã phổ biến các quy định mới có hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Cục ATMT cho biết, giai đoạn vừa qua, ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp to lớn đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp như dầu khí, phân bón, hóa chất, thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản… cũng là những ngành phát sinh nhiều loại chất thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cao nếu không được kiểm soát một cách hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Toán, Chánh Văn phòng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị |
Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022, theo đó đã ban hành rất nhiều chính sách, quy định mới về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, kiểm kê khí nhà kính, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, ứng phó sự cố môi trường,… Đến thời điểm hiện tại, tuy đã được triển khai thực hiện gần 2 năm, nhưng một số quy định vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Do đó, việc tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định, chính sách mới về bảo vệ môi trường cũng như khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tiết kiệm và thu hồi năng lượng, tái sử dụng và tái chế nước sau xử lý nước thải, rác thải... tại các doanh nghiệp là cần thiết và cần được đẩy mạnh để vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
“Hội nghị là dịp để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi các chính sách bảo vệ môi trường của ngành công thương, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua Hội nghị, các đại biểu còn có cơ hội trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi. Từ đó, Cục ATMT sẽ tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn hơn”, Đại diện Cục ATMT nhấn mạnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp miền Trung, Tây Nguyên trong quá trình thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Liên, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện còn 184 CCN chưa được đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Theo điều 49 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Các CCN này sẽ không được tiếp nhận thêm các dự án mới mà có phát sinh nước thải công nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn một số nơi còn chưa cao. Theo đó, đề xuất giải pháp trong thời gian đến, các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải; tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại các CCN; đối với các CCN thuộc phân cấp quản lý môi trường cấp tỉnh, cấp huyện, cần hướng dẫn, hỗ trợ các Chủ đầu tư CCN lập hồ sơ môi trường (cấp Giấy phép môi trường/đăng ký môi trường) và thực hiện các quy định của pháp luật hiện nay về môi trường.
Bà Nguyễn Thị Liên, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên trình bày tham luận “Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường tại các Cụm công nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên”. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng đánh giá cao sự quan tâm của Cục ATMT, Hiệp hội Công nghiệp môi trường và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức Hội nghị. Với kỳ vọng mang lại những kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, Hội nghị lần này không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên nâng cao năng lực mà còn là dịp để chia sẻ những phương pháp tiên tiến, trao đổi những giải pháp tối ưu hóa trong sản xuất kinh doanh; những nội dung về quản lý chất thải ứng dụng công nghệ xanh cùng các quy trình tiết kiệm tài nguyên, giúp các doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong việc phát triển hài hòa với thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị. |
“Với vai trò là đơn vị chủ nhà, Sở Công Thương Đà Nẵng cam kết sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung”, ông Nguyễn Văn Trừ nhấn mạnh.
Cập nhật nhiều nội dung mới
Tại Hội nghị, ông Đinh Văn Tôn (Bộ Công Thương) đã phổ biến, làm rõ hơn một số quy định về bảo vệ môi trường tại Luật BVMT năm 2020 liên quan đến ngành, lĩnh vực công thương và các Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, cũng như cập nhật những quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và một số vấn đề đang đề xuất, sửa đổi.
Theo đó, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mới về xử phạt, đối với một số hành vi vi phạm hành chính có lộ trình áp dụng như: lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn… Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho một số lực lượng mới như: Kiểm ngư, Cảng vụ hàng không; Cục Quản lý môi trường Y tế, Thanh tra chuyên ngành công thương, Thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Bổ sung trách nhiệm của Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đối với thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc di dời dự án, cơ sở.
Ông Đinh Văn Tôn báo cáo các tham luận |
Về mức độ xử phạt, phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, sẽ tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả…
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Trần Văn Lượng phát biểu tại Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, đề cập đến những khó khăn, vướng mắc và trong thực thi Luật BVMT liên quan đến ngành nghề của đơn vị. Qua đó, đại diện Cục ATMT, Hiệp hội Công nghiệp môi trường, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên cũng đã ghi nhận, giải đáp thắc mắc và chia sẻ về những kinh nghiệm quý báu trong việc thực hiện công tác BVMT liên quan các ngành nghề, lĩnh vực công thương.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, đại diện công ty CP Cao su Đà Nẵng chia sẻ và thảo luận về những thuận lợi và khó khăn hiện nay trong vấn đề tái chế và đánh giá tác động môi trường từ thực tế của đơn vị. |
Giải đáp vướng mắc của các đơn vị, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Trần Văn Lượng nhấn mạnh, Hiệp hội Công nghiệp môi trường có trách nhiệm liên quan đến các vấn đề tái chế như: giá tiền, trách nhiệm tái chế, đối tượng đóng phí tái chế và thu gom những sản phẩm nhập từ nước ngoài, quy chế chi tiêu quỹ tái chế,… Đồng thời, ghi nhận các ý kiến thắc mắc của đơn vị và khẳng định sẽ có những tham vấn cho cơ quan, ban ngành liên quan.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường, Tổng Biên tập Tạp chí Công nghiệp môi trường phát biểu tại Hội nghị |
Đại diện công ty Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng đặt vấn đề về những vướng mắc trong việc xin cấp giấy phép môi trường theo Luật BVMT mới đối với dự án của công ty |
Đại diện Công ty CP Vinatex Đà Nẵng chia sẻ tại Hội nghị |
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Tin khác
Góp ý dự thảo Thông tư quy định mức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp Bia và nước giải khát không cồn giai đoạn 2025-2030
Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.