Ngăn chặn ô nhiễm vi nhựa: Cần sự tham gia của nhà sản xuất và người tiêu dùng

26/06/2023 16:09 Tăng trưởng xanh
Các nhà khoa học trên thế giới đã xác định được tác động của các mảnh vụn nhựa có kích thước rất nhỏ, được gọi là hạt vi nhựa trong môi trường có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các loài đồng vật.

Nguồn gốc của vi nhựa trong môi trường

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm nhân loại thải bỏ một lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất. Những mảnh chất thải nhựa sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các mảnh vụn nhựa nhỏ có kích thước dưới 5mm, còn được gọi là vi nhựa (microplastics).

Ngăn chặn ô nhiễm vi nhựa: Cần sự tham gia của nhà sản xuất và người tiêu dùng
Ô nhiễm nhựa, đã và đang là vấn đề của toàn thế giới.

Hạt vi nhựa được phân loại theo chủng loại khác nhau, căn cứ vào nguồn gốc. Các hạt vi nhựa sơ cấp được thải trực tiếp vào môi trường từ các hoạt động như giặt quần áo làm từ sợ tổng hợp, sự cọ xát của lốp xe khi chuyển động, từ các sản phẩm làm đẹp như kem dưỡng da… Các hạt vi nhựa thứ cấp phát sinh từ việc phá hủy các đồ vật bằng nhựa như: Túi nhựa, túi ni-lông, chai nhựa, lưới đánh cá... chiếm khoảng 69-81% các hạt vi nhựa được tìm thấy ngoài đại dương và trong cơ thể các loài động vật biển.

Theo các dòng chảy sông, suối, các mảnh nhựa vụn di chuyển trên sông, suối, biển và đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa trên phạm vi toàn cầu. Ô nhiễm vi nhựa chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hạt vi nhựa ở mọi nơi: trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Những ảnh hưởng của vi nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người

Động vật nuốt phải các vi hạt nhựa sẽ làm tắc khí quản gây ngạt thở, hoặc tác động xấu tới hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật. Các vi hạt nhựa có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật trong nước ngọt và trong môi trường biển; chúng có thể là vật trung gian gây tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, khi động vật ăn vào sẽ bị nhiễm độc, chất độc này lại được chuyển sang con người khi con người ăn các động vật đó.

Hạt vi nhựa tồn tại dai dẳng, rất khó phân hủy, cũng không thể thu lại để tái chế như các mảnh nhựa lớn khác, dẫn tới tích tụ trong môi trường. Hạt vi nhựa cũng xâm nhập vào mạch nước ngầm. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng mọi loài sinh vật tồn tại dưới biển đều có thể bị nhiễm hạt vi nhựa, những hạt vi nhựa này đã được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong thức ăn, nước uống, không khí, muối ăn...cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người.

Vi nhựa cũng có trong bụi đường hô hấp khi con người hít thở vào. Vì vi nhựa có đường kính trên 10 micromet nên thường được hệ thống chất nhầy, lông mao đường hô hấp trên bắt giữ và loại trừ ra qua hắt hơi, ho, xỉ mũi, khạc đàm nhầy… Nếu vi nhựa có kích thước nhỏ hơn, chúng sẽ tiến sâu hơn và mắc kẹt vào các phế nang, khó bị đào thải. Vi nhựa cũng có thể vào cơ thể con người qua con đường uống nước đóng chai hoặc ăn cá từ đại dương bị ô nhiễm vi nhựa.

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy trung bình, mỗi tuần, mỗi người trên thế giới có thể ăn phải ít nhất 5g hạt vi nhựa, tương đương với khối lượng của một chiếc thẻ tín dụng hoặc một chiếc thẻ ATM.

Các nước đã làm gì để giảm thiểu ô nhiễm do vi nhựa

Hiện nay nhiều quốc gia thành viên EU đã đưa ra lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa chủ yếu trong sản xuất mỹ phẩm. Nhằm chấm dứt việc xuất khẩu rác thải nhựa tới các nước không đủ năng lực xử lý, Ủy ban châu Âu đã thông qua quy định mới về xuất, nhập khẩu và vận chuyển rác thải nhựa, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021.

Nghị viện châu Âu đã khuyến nghị EU thiết lập lệnh cấm ở quy mô toàn châu lục đối với tất cả các vi nhựa được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm và các chất tẩy rửa, đồng thời phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu việc thải vi nhựa từ vải, lốp xe, sơn và đầu lọc thuốc lá

Trước đó, từ năm 2019, Cơ quan Các sản phẩm hóa học châu Âu đã đề xuất hạn chế sử dụng các hạt vi nhựa cũng như các hợp chất formaldehyd và siloxane trong sản xuất nhiều loại sản phẩm như mỹ phẩm, các chất tẩy rửa, sơn, bột màu, vật liệu xây dựng, thuốc, các chất sử dụng trong nông nghiệp, dầu khí. Đề xuất này dựa trên kết luận của ECHA trong đánh giá các nguy cơ của những chất này đối với môi trường và sức khỏe con người.

Những giải pháp của Việt Nam để hạn chế ô nhiễm vi nhựa

Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông”. Tại Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã phát động phong trào toàn quốc Chống rác thải nhựa vào tháng 6 năm 2019. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được ban hành cuối năm 2020 đã có các quy định mới về cơ chế Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR). Theo đó, Luật đã quy định nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải, trong đó có chất thải nhựa. Về trách nhiệm tái chế chất thải, Luật BVMT lần đầu tiên đưa ra tỷ lệ tái chế và yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ nhất định dựa vào khối lượng sản phẩm hoặc bao bì đóng gói sản phẩm mà họ đưa ra thị trường.

Cùng với đó, trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định về quy cách tái chế và đối với bao bì nhựa phải được tái chế thành một trong ba cách thức như: Sản xuất hạt nhựa tái sinh sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp; sản xuất sản phẩm khác (bao gồm cả xơ sợi PE); sản xuất hóa chất (trong đó có dầu)…

Giảm thiểu tác hại của vi hạt nhựa cần trước tiên hạn chế và tiến tới không sử dụng đồ nhựa kém chất lượng, túi ni-lông khó phân hủy. Để đạt được mục tiêu này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của vi hạt nhựa đến môi trường, sức khỏe con người; thực hiện giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni-lông thân thiện với môi trường trong nước; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường; xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy sinh học; tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi ni-lông khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương cùng các tổ chức xã hội cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã và đang tiến dần đến kiểm soát tốt hơn các nguồn thải sản sinh ra hạt vi nhựa; cùng với đó nâng cao trách nhiệm xã hội của các nhà sản xuất với các sản phẩm đưa ra thị trường nhằm hạn chế, kiểm soát tốt nhất sự ảnh hưởng của các hạt vi nhựa đến với con người, các loài động vật cũng như môi trường sống nói chung./.

Nguyễn Quang (T/H)
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động