Ngành than, khoáng sản và công cuộc bảo vệ môi trường
Tháo gỡ khó khăn cho ngành Than |
Do có những tác động lớn đến môi trường nên các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới đang có xu thế hạn chế sử dụng than làm năng lượng. Một số quốc gia đang vận động thành lập hiệp hội các quốc gia tiến tới không sử dụng than, nhiều quốc gia đã chuyển từ nước sản xuất sang nhập khẩu than như Nhật Bản, Hàn Quốc... Việc khai thác và chế biến các loại khoáng sản tại các quốc gia phát triển cũng đang ngày càng hạn chế và có xu hướng dịch chuyển sang các quốc gia đang phát triển.
Đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam do nền kinh tế đang phát triển nên việc khai thác, chế biến than và các loại khoáng sản cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác vẫn là động lực quan trọng, là nguồn thu lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước trong những năm tới. Việc sử dụng than làm nguồn năng lượng vẫn là lựa chọn được ưu tiên bởi chi phí đầu tư thấp, giá rẻ so với các nguồn năng lượng khác như điện hạt nhân, điện mặt trời, điện gió... và các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Theo quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 phê duyệt bằng Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo nhu cầu sử dụng than cũng như định hướng sản xuất than trong nước những năm tới ngày càng tăng. Cụ thể, nhu cầu sử dụng than dự báo đến năm 2025 là 121,5 triệu tấn, đến năm 2030 tăng lên 156,6 triệu tấn; sản xuất than sạch dự tính đến năm 2025 là 51 ÷ 54 triệu tấn, đến năm 2030 tăng lên 55 ÷ 57 triệu tấn.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh (quy hoạch điện 7 điều chỉnh) phê duyệt bằng Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng nhiệt điện đốt than những năm tới vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng chung của cả nước và nhu cầu than cho điện vẫn tăng cao; cụ thể đến năm 2025 nhiệt điện đốt than dự tính sản xuất 220 tỉ kWh, chiếm khoảng 55,0% lượng điện sản xuất trong nước, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; đến năm 2030 nhiệt điện đốt than dự tính sản xuất 304 tỉ kWh, chiếm khoảng 53,2% lượng điện sản xuất trong nước, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.
|
Để hạn chế các tác động tiêu cực của việc khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản đối với môi trường, các quốc gia phát triển trên thế giới với sự quan tâm từ nhiều năm trước đây và tiềm lực kinh tế mạnh đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường; không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản theo hướng hiện đại, tự động hóa, sử dụng ít năng lượng, nguyên vật liệu, giảm phát thải; nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư thích đáng cho công tác bảo vệ môi trường; vì vậy công nghiệp khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản tại các quốc gia phát triển đang ngày càng giảm bớt ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Đối với các quốc gia đang phát triển, do tiềm lực kinh tế còn yếu, trình độ khoa học kỹ thuật thấp, nhận thức có hạn nên việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản nói riêng mới chỉ bắt đầu được quan tâm khoảng 15 - 20 năm trở lại đây; việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản hiện đại cũng như đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế. Vì vậy, tác động tiêu cực của ngành công nghiệp khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản đến môi trường các quốc gia đang phát triển vẫn còn lớn.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường lần đầu tiên được Quốc hội khóa 9 thông qua ngày 27/12/1993; tuy nhiên phải đến sau khi có Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi số 52/2005/QH11 được Quốc hội khóa 11 thông ngày 29/11/2005 thì công tác bảo vệ môi trường mới thực sự được quan tâm và bắt đầu được triển khai trong thực tế. Sau gần 10 thực hiện, ngày 23/6/2014 Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 được chỉnh sửa, bổ xung theo yêu cầu thực tế và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đồng thời các quy định cụ thể, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường cũng từng bước được hoàn thiện và ban hành.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là tập đoàn kinh tế nhà nước, tiền thân là Tổng Công ty Than Việt Nam (thành lập năm 1994) và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (thành lập năm 1995) với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính gồm: Khai thác, chế biến than và khoáng sản; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, hóa chất mỏ; sửa chữa, lắp ráp, chế tạo thiết bị mỏ. TKV hiện là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là nhà sản xuất và cung cấp than lớn nhất, sản xuất alumin duy nhất và sản xuất kim loại màu lớn nhất cung cấp cho nền kinh tế đất nước và xuất khẩu.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với sự phát triển của ngành, ngay từ khi thành lập TKV đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường: Di dời, tháo dỡ hàng loạt các công trình sản xuất, phục vụ sản xuất khỏi trung tâm các đô thị, bàn giao hàng trăm ha đất cho chính quyền địa phương; thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải, khai trường đã kết thúc; xây dựng 50 trạm xử lý nước thải mỏ với công suất xử lý trên 150 triệu m3/năm; xây dựng nhà máy chất thải nguy hại công nghiệp công suất 6.900 tấn/năm tại Quảng Ninh; xây dựng đê đập chắn đất đá chân bãi thải, củng cố hệ thống thoát nước; xây dựng 1 tuyến đường sắt và 8 tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng và đến nhà máy điện; công tác thu gom, xử lý các loại chất thải, chống bụi ồn, cải tạo cảnh quan được quan tâm thực hiện thường xuyên; các nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện kim có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đồng bộ với dây truyền sản xuất, kiểm soát tự động đảm bảo quy chuẩn môi trường; quặng đuôi, bùn đỏ (nhà máy alumin) được thải trong các hồ chứa xây dựng đúng quy định...
Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường, TKV cũng đã sắp xếp, cải tạo nâng cấp, đổi mới công nghệ bốc rót tại các bến cảng góp phần giảm thiểu bụi, bẩn quá trình tiêu thụ than; đầu tư đổi mới công nghệ khai thác than theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hóa, ít ảnh hưởng đến môi trường (cột chống thuỷ lực, dàn chống thuỷ lực, máy khấu... trong khai thác hầm lò; máy xúc dung tích gầu xúc 10m3, ô tô tải trọng 100 tấn trong khai thác lộ thiên), nhờ đó giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45-50m3/1000 tấn xuống 7,5 m3/1000 tấn than, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 45-50 xuống 21,7% và trong khai thác lộ thiên từ 15-18% xuống 4,5%; đầu tư thiết bị lọc ép bùn nhà máy tuyển tăng tỷ lệ thu hồi than, tăng sử dụng nước tuần hoàn, giảm xả thải ra môi trường; các nhà máy nhiệt điện của TKV được đầu tư công nghệ tầng sôi tuần hoàn giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng than chất lượng thấp.
Để thực hiện các công việc bảo vệ môi trường nêu trên, TKV đã xây dựng và ban hành các quy định, cơ chế bảo vệ môi trường nội bộ làm căn cứ cho các hoạt động bảo vệ môi trường; tạo nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường bằng việc trích 1,0% chi phí sản xuất lập Quỹ Môi trường tập trung và chi 0,5% chi phí sản xuất cho hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên tại đơn vị với tổng kinh phí hàng năm trên 1.000 tỷ đồng; tổ chức hệ thống quản lý, triển khai công tác bảo vệ môi trường thống nhất từ tập đoàn đến các đơn vị; thành lập các đơn vị chuyên ngành làm công tác bảo vệ môi trường (Công ty TNHH MTV Môi trường chuyên thi công, quản lý vận hành các công trình môi trường; Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường chuyên tư vấn trong lĩnh vực môi trường); tăng cường hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường (Đức, Hàn Quốc, Nhật); tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao hiểu biết, nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác môi trường trong TKV.
Chi phí cho công tác bảo vệ môi trường của TKV những năm gần đây:
Khoản mục | Giá trị theo năm (triệu đồng) | |||
2015 | 2016 | 2017 | 2018 | |
1. Đầu tư công trình BVMT từ Quỹ Môi trường tập trung | 702.903 | 584.469 | 506.731 | - |
2. Chi phí BVMT thường xuyên | 342.389 | 499.724 | 584.615 | 949.053 |
Cộng | 1.045.292 | 1.084.193 | 1.091.346 | 949.053 |
Ghi chú: Chi phí trên chưa tính vốn đầu tư các tuyến băng tải, đổi mới công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản; chưa kể thuế, phí môi trường nộp ngân sách. Từ năm 2018 TKV không còn được trích lập Quỹ Môi trường tập trung.
Với việc chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đồng bộ trong những năm vừa qua, môi trường các vùng khai thác than, khoáng sản đã có sự cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện ổn định cho sự phát triển của ngành than, khoáng sản, góp phần tính cực vào sự phát triển của các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản cũng còn những bất cập, hạn chế cả về chính sách, pháp luật và thực hiện trong thực tế:
- Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập: Thủ tục hành chính nhiều (dự án mỏ phải thực hiện 6 - 7 hồ sơ, thủ tục về môi trường), quy định thiếu tính thực tế (lấp moong sau khai khác mỏ chỉ để lại chiều sâu 30m, quản lý chất thải công nghiệp thông thường...), chưa có chính sách đủ mạnh để tạo động lực thúc đầy tái chế và tái sử dụng chất thải (tro xỉ nhiệt điện, chất thải rắn thông thường...), chưa có cơ chế cho phép/bắt buộc các doanh nghiệp trích lập nguồn vốn để chủ động chi cho bảo vệ môi trường (từ năm 2018 TKV không còn được trích lập Quỹ Môi trường tập trung...).
- Đầu tư cho đổi mới công nghệ sản xuất cũng như chi cho công tác bảo vệ môi trường của ngành khai thác, chế biến than, khoáng sản, nhiệt điện sử dụng than còn hạn chế do giá than, điện còn thấp chưa thực sự theo cơ chế thị trường, chính sách thuế phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản còn nặng nề giảm nguồn lực tài chính cho thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại nguồn, thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp, quy định đấu thầu thiên về giá rẻ gây khó khăn cho việc lựa chọn công nghệ tiên tiến...
- Kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong thực tế còn nhiều hạn chế do nguồn vốn có hạn, trình độ công nghệ kỹ thuật bảo vệ môi trường còn thấp, nhận thức về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao... Những hạn chế chủ yếu: Bụi, ồn từ quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến than, khoáng sản chưa được khắc phục triệt để; công tác vệ sinh công nghiệp chưa được coi trọng, mặt bằng sản xuất còn bụi, bẩn, lầy lội; đất đá từ các khai trường, bãi thải còn bị nước mưa rửa trôi gây bồi lấp sông suối; các nhà máy nhiệt điện, xi măng có nơi, có lúc còn xả khí thải chưa đảm bảo quy chuẩn môi trường, nhất là khi khời động lò đốt, bãi thải tro xỉ nhiệt điện hạn chế, việc tái sử dụng tro xỉ chưa nhiều; còn để xảy ra một số sự cố môi trường (vỡ đập hồ chứa quặng đuôi, sạt lở bãi thải, rò rỉ hóa chất...).
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cũng như pháp luật của Nhà nước, để đảm bảo vừa phát triển ngành than, khoáng sản, nhiệt điện than đáp ứng nhu cầu năng lượng, nguyên liệu cho nền kinh tế, vừa bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu trở thành ngành sản xuất xanh, thân thiện với môi trường và cộng đồng, thời gian tới cần thực hiện một số công việc chủ yếu sau:
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính, tăng cường giám sát tuân thủ trong thực tế. Xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế về tài chính (trích lập quỹ môi trường từ chi phí sản xuất...) tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động làm công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xử lý, tái chế chất thải.
- Lồng ghép trong các quy hoạch, dự án đầu tư, kế hoạch dài hạn các giải pháp, công trình, nguồn vốn bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu dài hạn cho từng vùng, từng đơn vị làm định hướng thực hiện đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Các dự án mới lựa chọn công nghệ kỹ thuật hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường, thi công lắp đặt hoàn thiện tất cả các hạng mục bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
- Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường: Trồng cây cải tạo phục hồi môi trường; chống bụi, ồn; vệ sinh công nghiệp, cải thiện cảnh quan môi trường; ngăn ngừa, hạn chế đất đá trôi lấp; thu gom, xử lý triệt để chất thải; phòng ngừa sự cố môi trường, nhất là an toàn bãi thải, đập hồ chứa, hóa chất...; trong đó nghiên cứu kết hợp cải tạo phục hồi môi trường các vùng đất sau khai thác mỏ với phát triển các ngành khác mang lại lợi ích kinh tế và môi trường (du lịch sinh thái, điện mặt trời, cây công nghiệp, lâm nghiệp...); nghiên cứu xử lý, tái chế các loại chất thải phát sinh trong sản xuất thành các sản phẩm để tái sử dụng cho sản xuất và cung cấp cho nền kinh tế.
- Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hóa, sử dụng ít năng lượng và nguyên vật liệu, ít phát thải ra môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường mới để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí cho công tác bảo vệ môi trường.
- Ưu tiên dành nguồn lực tài chính, chi tối thiểu 1,5 - 2,0% chi phí sản xuất cho công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng và phát triển đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường chuyên nghiệp trong ngành. Tổ chức hệ thống quản lý công tác bảo vệ môi trường chuyên trách, thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức chung về bảo vệ môi trường./.
Hoàng Văn Khanh - Tổng hợp
Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn TKV