Những con số đáng lưu ý trong Báo cáo môi trường của tỉnh Hà Tĩnh

27/02/2024 05:55 Tác động môi trường
Môi trường nước mặt, nước dưới đất đang có biểu hiện ô nhiễm; phát sinh thêm 18 điểm ô nhiễm; Xử phạt Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh số tiền hơn 213 triệu đồng, Bệnh viện đa khoa tỉnh hơn 411 triệu đồn...vì những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là những điểm đáng chú ý trong Báo cáo công tác bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh trong 9 tháng đầu năm 2023.

Chất lượng nước mặt, nước dưới đất đang có biểu hiện ô nhiễm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, với số liệu được tổng hợp đến hết tháng 09/2023, chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh đang có biểu hiện ô nhiễm một số thông số hữu cơ, vô cơ và vi sinh.

Các hồ, đập chứa nước có biểu hiện ô nhiễm bởi 09/24 thông số (pH, TSS, NH4+, PO43-, Fe, Mn, Coliform, COD, BOD5). Một số hồ có mức ô nhiễm cao với nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép như hồ Bồng Sơn (các thông số vượt quy chuẩn gồm pH, BOD5, COD, amoni, photphat, sắt, Coliform), hồ Bình Hà Sơn (các thông số vượt quy chuẩn gồm pH, BOD5, COD, mangan, Coliform), hồ Bình Sơn Sơn (các thông số vượt quy chuẩn gồm pH, TSS, BOD5, COD, amoni, Coliform.

Hệ thống sông Nghèn và phụ lưu có 07/24 thông số (BOD5, COD, NH4+, Fe, Mn, clorua, Coliform) vượt quy chuẩn cho phép; Hệ thống sông Quyền và phụ lưu có 07/24 thông số (COD, BOD5, clorua, Mn, Fe, Coliform, NH4+) vượt quy chuẩn cho phép; Hệ thống sông Ngàn Trươi và phụ lưu có 04/24 thông số (NH4+, Fe, Zn, Coliform) vượt quy chuẩn cho phép; Sông Ngàn Sâu và phụ lưu có 03/24 thông số (COD, BOD5, Coliform) vượt quy chuẩn cho phép;

Hệ thống sông Ngàn Phố và phụ lưu có 05/24 thông số (COD, BOD5, NH4+, PO43-, Coliform) vượt quy chuẩn cho phép; Hệ thống sông La có 06/24 thông số (COD, BOD5, Fe, Mn, Pb, Coliform) vượt quy chuẩn cho phép; Hệ thống các sông nhỏ có 09/24 thông số (BOD5, COD, NH4+, Cl–, PO43-, Mn, Fe, dầu mỡ, Coliform) vượt quy chuẩn cho phép; Hệ thống các kênh mương có 05/24 thông số (NH4+, BOD5, COD, Fe, Coliform) vượt quy chuẩn cho phép.

Theo kết quả quan trắc từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, chất lượng nước dưới đất có biểu hiện ô nhiễm bởi các thông số pemanganat, amoni, sắt, mangan, clorua, độ cứng, Coliform và giảm giá trị pH tại một số vị trí quan trắc. Riêng thông số Coliform xuất hiện ô nhiễm tại hầu hết các vị trí quan trắc.

Trong 47 vị trí quan trắc, đáng lưu ý nhất là một số vị trí khu vực xóm Đồng Tiến xã Đồng Môn, xóm Đại Tiến xã Thạch Trị, khu nuôi trồng thủy sản xã Hộ Độ, khu tái định cư mỏ sắt Thạch Khê tại xã Đỉnh Bàn, khu cụm công nghiệp Hạ Vàng chất lượng nước có biểu hiện xấu nhất với tần suất xuất hiện ô nhiễm TDS, KMnO4, NH4+, Mn, Fe, độ cứng, clorua, Coliform tại hầu hết các đợt quan trắc trong năm 2023.

Xử phạt vi phạm hành chính 03/5 đơn vị theo kế hoạch kiểm tra của Cục KSONMT

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham gia phối hợp với Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tham gia kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh của Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I của Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư và cung ứng dịch vụ Khu kinh tế Hà Tĩnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh và Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh theo Quyết định số 311/QĐ-KSONMT ngày 15/3/2023.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh bị xử phạt 213.685.000 đồng; Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh bị xử phạt 65.000.000 đồng và Bệnh viện đa khoa tỉnh đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 411.906.000 đồng.

Những con số đáng lưu ý trong Báo cáo môi trường của tỉnh Hà Tĩnh
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh bị xử phạt với số tiền hơn 411 triệu đồng vì những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc danh sách đơn vị mà Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường kiểm tra trong năm.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường trong năm

Về tỷ lệ che phủ rừng: Năm 2023 đạt 52% duy trì ổn định so với năm 2022; Về tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch ở nông thôn: năm 2023 đạt 65% tăng 5,4% so với năm 2022 (61,5%); Về tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn: Năm 2023 đạt 100% duy trì ổn định so với năm 2022.

Về tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: Năm 2023, tỷ lệ rác thu gom, xử lý đúng quy định khoảng 93,7%, tăng 0,4% so với năm 2022 (tỷ lệ này 93,3%), lượng rác còn lại chưa được thu gom là khoảng 6,2% và tỷ lệ rác được thu gom nhưng xử lý chưa đúng quy định (đốt và chôn lấp không đúng quy định tại các điểm trung chuyển) khoảng 5,8%.

Về tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 100 % rác thải y tế được xử lý đúng quy định; Hệ thống xử lý nước thải ở các đô thị: Trong các đô thị loại IV trở lên (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh) có thị xã Hồng Lĩnh có công trình hồ điều hòa xử lý nước thải tập trung cho khu vực trung tâm; Đối với thành phố Hà Tĩnh Dự án Nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Hà Tĩnh đã được Hội đồng thẩm định cấp cơ sở họp xem xét, góp ý, nhưng hiện naychưa phê duyệt thực hiện được. Đối với thị xã Kỳ Anh hiện nay đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải với công suất 2000m3/ngày đêm đáp ứng xử lý cho xã Kỳ Hoa, phường Hưng Trí, phường Kỳ Trinh.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN: Toàn tỉnh hiện có 05 KCN, trong đó có 04/05 KCN đã đi vào hoạt động, 03/04 KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt 75%); 20 CCN đã đi vào hoạt động có 11/20 CCN đã và đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải (đạt 57,89%).

Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trên phạm vi cả nước, Hà Tĩnh có 11 điểm tồn lưu nằm trong danh mục xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có 06/11 điểm tồn lưu đã được xử lý, 05 điểm còn lại chưa hoàn thành xử lý do chưa bố trí được kinh phí.

Kết quả điều tra, rà soát có 18 điểm ô nhiễm mới phát sinh không thuộc Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1927/STNMT-MT ngày 22/6/2020 báo cáo Tổng cục Môi trường đề nghị bổ sung vào danh mục để ưu tiên xử lý giai đoạn 2022-2025, nhưng đến nay chưa có bố trí kinh phí để xử lý.

Mục tiêu trong năm 2024, Tiếp tục ưu tiên kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguồn thải lớn như dự án Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh...

Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, chấn chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền tỉnh quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật BVMT. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động BVMT giai đoạn 2023-2025…

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động