Những khó khăn trong tái chế tro, xỉ, thạch cao nhiệt điện

30/10/2018 16:00 Tác động môi trường
Hầu hết công nghệ sử dụng để tái chế tro, xỉ, thạch cao đều do các đơn vị trong nước tự nghiên cứu, chế tạo, quy mô nhỏ, mức độ hiện đại chưa cao, số lượng các nhà đầu tư tái chế còn ít, hiệu quả của việc đầu tư tái chế chưa rõ. Thói quen sử dụng vật liệu tái chế và vấn đề tiêu chuẩn, hướng dẫn sử dụng vẫn chưa đồng bộ... Do vậy, chất lượng các sản phẩm được tái chế từ tro, xỉ, thạch cao chưa ổn định, giá thành sản xuất cao, khó khăn trong khâu tiêu thụ.

1. Công nghệ đang áp dụng để tái chế tro, xỉ
1.1. Xỉ đáy
+ Xỉ đáy của công nghệ đốt PC hiện nay đang được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau mà không cần qua xử lý.
+ Xỉ đáy của công nghệ CFBC: Đối với các NM không khử lưu huỳnh thì xỉ đáy được sử dụng tương tự như xỉ đáy công nghệ đốt PC. Đối với các nhà máy có khử lưu huỳnh tại buồng đốt thì cần phải xử lý xỉ đáy trước khi sử dụng. Viện Vật liệu xây dựng đã nghiên cứu và hướng dẫn công nghệ xử lý cho NMNĐ Cao Ngạn (Thái Nguyên). Theo công nghệ này, xỉ được ủ với nước theo một quy trình xác định.Công nghệ này có ưu điểm đơn giản, chi phí đầu tư thấp.
1.2. Tro bay
Tro bay của công nghệ đốt PC: Đối với tro bay của công nghệ đốt than phun, vấn đề cần phải xử lý là làm giảm hàm lượng MKN (Cacbon chưa cháy) trong tro bay. Hiện nay có 2 phương pháp tuyển tro bay là tuyển ướt và tuyển khô.
Phương pháp tuyển nổi: Phương pháp này dùng nước và thuốc tuyển để tách lượng than chưa cháy ra khỏi tro. Công nghệ này đơn giản, mức đầu tư không cao, tuy nhiên sử dụng công nghệ tuyển này, tro bay phải qua công đoạn sấy tiêu tốn năng lượng làm tăng giá thành, hoạt tính tro bay bị giảm do bị ngâm trong nước và phát sinh nước thải sau khi tuyển. Hiện nay công nghệ này đang được sử dụng tại Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường, Công Ty TNHH Vina Fly Ash and Cement và một số đơn vị khác.
Phương pháp tuyển tích điện (tuyển khô): Ưu điểm của công nghệ này là có thể thu được tro bay có hàm lượng MKN < 4%, tro bay được tuyển khô, tro không bị giảm hoạt tính do không bị ngâm trong nước, không phát sinh nước thải. Tuy nhiên vối đầu tư dây chuyền tuyển theo công nghệ nay cao. Đã có một số hãng công nghệ nước ngoài giới thiệu công nghệ tuyển khô tại Việt Nam nhưng hiện tại chưa có đơn vị nào đầu tư.
Tro bay của công nghệ đốt than CFBC: Tro bay đốt than tầng sôi có hàm lượng SO3, CaOtd và Cacbon chưa cháy (MKN) lớn rất khó xử lý đảm bảo yêu cầu làm phụ gia xi măng và bê tông. Hiện nay, nước ta chưa có đơn vị nào đầu tư công nghệ xử lý tro bay của NMNĐ công nghệ tầng sôi CFBC.
1.3. Công nghệ tái chế thạch cao FGD
Hiện nay đã có một số NM đầu tư hệ thống thu hồi thạch cao FGD. Trong số này nhiều NM đầu tư không đồng bộ, thiếu hệ thống hút chân không để giảm ẩm cho sản phẩm. Khi sử dụng làm phụ gia điều chỉnh đông kết cho xi măng cũng gặp khó khăn vì độ ẩm quá cao. Một số NM có đầu tư hệ thống hút chân không để giảm ẩm cho sản phẩm thì việc sử dụng thạch cao để làm phụ gia cho xi măng thuận lợi hơn. Nhìn chung chất lượng thạch cao FGD của các NMNĐ đã đầu tư hệ thống thu hồi thạch cao không đảm bảo chất lượng làm nguyên liệu sản xuất tấm trần, tấm tường.
Hầu hết công nghệ sử dụng để tái chế tro, xỉ, thạch cao đều do các đơn vị trong nước tự nghiên cứu, chế tạo, quy mô nhỏ, mức độ hiện đại chưa cao. Do vậy, chất lượng các sản phẩm tro, xỉ, thạch cao được tạo thành chưa ổn định, giá thành sản xuất cao,
2. Một số khó khăn khác
2.1. Vấn đề đầu tư tái chế: Số lượng các nhà đầu tư tái chế còn ít. Hiệu quả của việc đầu tư tái chế chưa rõ. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực tái chế tro, xỉ, thạch cao chưa nhiệt tình. Việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các nhà đầu tư tái chế còn có nhiều khó khăn vướng mắc.
2.2. Thói quen sử dụng vật liệu tái chế: Các nhà sản xuất VLXD chưa mặn mà sử dụng vật liệu tái chế thay thế nguyên liệu tự nhiên vì các lý do sau: Chất lượng vật liệu tái chế chưa ổn định; Giá thành chưa cạnh tranh so với nguyên liệu tự nhiên; Còn lo ngại khi sử dụng vật liệu tái chế sẽ gây khó khăn cho quá trình sản xuất và khó tiêu thụ sản phẩm.

 Hoàng Duy
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động