Nước mắt và nụ cười của người thầy trong những lớp học đặc biệt

19/11/2019 13:40 Tăng trưởng xanh
Nước mắt và nụ cười là cảm xúc thường tình của mỗi con người khi đối diện với niềm vui hoặc nỗi buồn. Nhưng có lẽ, với những thầy cô giáo trong các “lớp học đặc biệt” ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì mỗi giọt nước mắt hoặc nụ cười đều chất chứa những hạnh phúc khó tả.
Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam NGƯT Phạm Viết Khang: Trọn nghĩa hai chữ “Thầy giáo” NGND. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệm: Hơn cả một người thầy

Người thầy lặng lẽ trong những lớp học không lặng lẽ

Người ta thường ví người giáo viên đứng trên bục giảng để truyền dạy con chữ - kiến thức là “những người chở đò thầm lặng”. Ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng có những người “chở đò” thầm lặng như thế, nhưng một số thầy, cô giáo ở đây còn đặc biệt hơn khi trực tiếp giảng dạy cho những học trò mang chứng tự kỷ hoặc có những khiếm khuyết về cơ thể. “Chuyến đò” của những người thầy, người cô vì thế mà cũng lắm chuyện để kể.

nuoc mat va nu cuoi cua nguoi thay trong nhung lop hoc dac biet
TS Nguyễn Tiến Mạnh – Trưởng khoa Jazz đang dạy cho bé Bôm luyện đàn.

Thật ra, khi tiếp cận các thầy cô và khơi gợi họ tâm sự về công việc giảng dạy của mình đối với những học trò đặc biệt, ai cũng có những ái ngại nhất định. Trong tâm thức của họ, không có học trò nào là đặc biệt bởi ai cũng phải học một giáo trình như nhau và ai cũng được chia đều tình yêu thương. Dẫu vậy, việc giảng dạy âm nhạc cho các cô cậu học trò như thế thường thầy cô phải kiên nhẫn và nhân lòng yêu thương lên gấp bội.

TS Nguyễn Tiến Mạnh – Trưởng khoa Jazz, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, trong khoa của anh có một số học trò mang chứng tự kỷ hoặc có chút khiếm khuyết trên cơ thể. Bản thân anh là thầy giáo trực tiếp giảng dạy cho bé Bôm (tên thật là Nguyễn Anh Tuấn) – con trai của nghệ sĩ Quốc Tuấn 3 năm qua. Bôm mắc hội chứng Apert (rối loạn về gen gây ra sự phát triển bất thường của hộp sọ) nên phát triển hơi chậm so với các bạn cùng trang lứa. Cậu bé hiện đang là học sinh năm 3, Trung cấp hệ 3/7 khoa nhạc Jazz.

Với thầy giáo Mạnh, Bôm là một đứa trẻ bình thường và anh chưa bao giờ có sự phân biệt cậu với những đứa trẻ khác. Ngay đầu vào, Bôm cũng phải trải qua một kỳ sát hạch nghiêm túc và đủ điểm đậu mới được nhận vào khoa học. Giáo trình học của Bôm cũng theo chương trình đào tạo chuẩn của nhà trường chứ không có sự khác biệt.

Ba năm theo học tại khoa, cậu bé học rất tốt. Kỳ thi giữa kỳ vừa qua, Bôm đạt số điểm rất cao và là học sinh giỏi của khoa. Cậu bé tiếp tục nhận được học bổng Toyota - học bổng dành cho những học sinh có kết quả cao và sự nỗ lực không ngừng trong học tập. Tuy nhiên, để có được kết quả đó, dĩ nhiên cả thầy và trò đều phải cố gắng rất nhiều.

nuoc mat va nu cuoi cua nguoi thay trong nhung lop hoc dac biet
Buổi dạy nhạc của thầy Nguyễn Hiền Đức với các học trò đặc biệt.

“Không chỉ riêng tôi mà các thầy cô giáo khác cũng luôn xem học trò của mình bình đẳng như nhau. Bôm cũng như thế, là một cậu bé hoàn toàn khoẻ mạnh. Tất nhiên, do gặp một số khiếm khuyết về tay nên khi tập đàn, Bôm khó khăn hơn các bạn khác.

Nhưng bởi thế, mỗi buổi học, thay vì tập nhạc 1 tiếng Bôm sẽ tập đến 5 - 10 tiếng. Cậu bé phải học tập tích cực hơn và giảng dạy cho cậu cũng đòi hỏi phải kiên nhẫn hơn. Ngoài ra, do trải qua nhiều lần phẫu thuật ở đầu cộng với việc uống nhiều loại kháng sinh nên trí nhớ của Bôm hơi kém.

Nhưng cậu bé rất chịu khó lắng nghe, luôn hoàn thành việc học và đạt mọi yêu cầu do đề ra. Và để có thể truyền hết kiến thức môn học đến với những học trò như Bôm, thầy giáo sẽ phải chịu khó lắng nghe và bỏ nhiều thời gian hơn. Thậm chí, đôi lúc phải tìm ra những hình thức khích lệ riêng để học trò có thêm nhiều hứng thú học tập”, thầy giáo Mạnh chia sẻ.

nuoc mat va nu cuoi cua nguoi thay trong nhung lop hoc dac biet
Giảng viên Nguyễn Hiền Đức và học trò Nguyễn Việt Khánh trong một buổi học nhạc.

ThS. Nguyễn Hiền Đức - giảng viên Piano Jazz cũng tâm sự, hiện thầy đang giảng dạy cho học sinh Nguyễn Việt Khánh, mắc hội chứng tự kỷ. Lúc mới vào học, Khánh có nhiều biểu hiện như: giao tiếp khó khăn, phản xạ kém, khó kiểm soát cảm xúc... Nhưng cậu bé lại có một niềm say mê kỳ lạ đối với âm nhạc.

“Giảng dạy cho những học trò như Khánh, tôi không thể dạy bình thường mà phải làm mẫu cho bạn ấy. Cậu bé quan sát tôi rồi làm theo, sau đó sẽ tự đúc kết bài học theo cách của mình. Được cái, Khánh có những năng khiếu rất đặc biệt về âm nhạc nên tư duy tương đối nhạy bén. Nhờ đó, cậu bé theo được giáo trình học và những thử thách mà tôi đề ra.

Đương nhiên, có những lúc mình không chỉ dừng ở vai trò thầy giáo mà còn như một người bạn âm nhạc, một người thân trong gia đình để tiếp cận Khánh. Tiếp cận được cậu bé rồi sẽ hiểu hơn về tính cách và sẽ có phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả nhất.

Đặc biệt, tôi luôn cố gắng tìm ra điểm sáng trong mỗi buổi học để khích lệ cậu và tạo cảm hứng cho cậu ấy trong những buổi tiếp theo. Mỗi ngày, chứng kiến sự tiến bộ của Khánh, tôi rất hạnh phúc. Có những lúc nhìn em ngồi đàn mà cảm xúc của tôi rất khó tả”, thầy giáo Đức cho biết.

Sát cánh cùng học trò như người đồng hành âm nhạc

ThS. Lưu Đức Anh - giảng viên khoa Piano kể, tháng 9 vừa qua, anh vinh dự được mời chấm thi và biểu diễn một cuộc thi piano quốc tế tại Malaysia. Đợt đó, anh cũng được giao vai trò dẫn đoàn Việt Nam gồm 25 thí sinh tham dự cuộc thi, trong đó có học sinh Nguyễn Hải Anh (14 tuổi) do anh trực tiếp giảng dạy, mắc hội chứng tự kỷ. Kết quả, trong số 4 học sinh đoạt giải tại cuộc thi có Nguyễn Hải Anh.

nuoc mat va nu cuoi cua nguoi thay trong nhung lop hoc dac biet
Giảng viên Lưu Đức Anh và 4 học sinh đoạt giải trong cuộc thi piano vừa diễn ra hồi tháng 9 tại Malaysia.

“Nguyễn Hải Anh là một minh chứng cho thấy, trong học đàn, không thể nói trước được điều gì. Lúc được tôi nhận vào học, cậu bé gặp rất nhiều bất lợi về cơ thể. Cơ thể rất cứng, lúc nào cũng co rụt người lại. Đối với dân chơi đàn, người cứng sẽ rất bất lợi.

Ngoài ra, khi tôi nói gì bạn ấy hiểu hết nhưng phản ứng lại khá lộn xộn. Có những lúc chưa vừa ý một điều gì đó sẽ nổi khùng lên, không kiểm soát được cảm xúc. Vì thế, việc nhận dạy cậu bé lúc đó xuất phát từ tình thương. Tôi nghĩ, cậu bé không còn con đường nào khác ngoài việc tiếp cận với piano để đến gần hơn với thế giới bên ngoài.

Nghĩ là thế nên thầy trò phải chấp nhận đối diện với thử thách trong mỗi buổi học. Có những lúc cảm thấy nản, có lúc phải dỗ dành bằng nhiều lời ngon ngọt… nhưng càng dạy, càng thấy cảm thông và chia sẻ hơn với cậu bé. Không chỉ dạy, tôi cùng bố của cậu còn phải tìm cách tổ chức các buổi biểu diễn để cậu phát huy được tài năng của mình.

Lúc đưa Hải Anh đi thi, tôi hơi lo lắng. Không biết, nếu không đoạt giải, cậu bé có bị sốc hoặc hụt hẫng gì không. Nhưng sau khi cậu hoàn thành bài thi, tôi thở phào nhẹ nhõm. Có những thứ tôi tưởng cậu không làm được nhưng cuối cùng vẫn làm được rất tốt.

Ngồi nghe ở đó, nếu bịt mắt lại, tôi thấy cậu bé chơi đàn không khác gì một đứa trẻ bình thường. Cậu cũng được hội đồng giám khảo đánh giá rất cao. Dù gặp một số bất lợi về cơ thể nên có một số điều cậu ấy làm chưa tới nhưng tinh thần âm nhạc, độ tập trung, độ chuẩn chỉnh và nhạc cảm thì cậu bé không thua kém các bạn khác.

Đó là lí do ban giám khảo đã tạo thêm một giải nữa để trao cho cậu bé. Cậu bé hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng ấy vì những nỗ lực của mình. Lúc lên nhận giải, cậu bé rất phấn khích, cười rất tươi”, ThS Lưu Đức Anh tâm sự.

TS Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ thêm rằng, mặc dù mắc hội chứng tự kỷ nhưng các học trò của anh đều có những năng khiếu âm nhạc riêng. Một số cô cậu có tai nghe rất tốt. Khi học nhạc, các dấu hiệu tự kỷ như: gào, thét, quát, mắng… cũng được mềm dịu đi.

Âm nhạc tựa như một liều thuốc để vừa kích thích tài năng, vừa giúp chữa lành các tổn thương. Cũng bởi thế mà người thầy giáo không đơn thuần chỉ truyền dạy kiến thức mà sát cánh cùng các học trò của mình như một người đồng hành trong âm nhạc.

Theo Dân trí
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động