Ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật

08/08/2021 11:06 Tác động môi trường
Chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); đối với rau cũng có 260 sản phẩm. Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang ở mức báo động, thậm chí một số nơi, nông dân “nghiện” sử dụng thuốc BVTV.

1. Người dân lạm dụng trong sản xuất nông nghiệp

Qua gần 60 năm hình thành phát triển, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngành bảo vệ thực vật (BVTV) góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017, trong đó, ngành trồng trọt chiếm tới 20 tỷ USD về giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Là một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng thuốc BVTV là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Thậm chí, nhiều loại nông sản đã phải mang tiếng trên thi trường quốc tế vì có tồn dư thuốc trừ sâu quá mức cho phép.

Ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật
Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV sử dụng trên cây trồng đang ở mức báo động (ảnh minh họa)

Thực tế, thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2017, Việt Nam chi tới 989 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 36,4% so với năm 2016; theo đó, nguồn nhập chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 52,6% tổng giá trị của mặt hàng này; 9 tháng đầu năm 2018, tuy lượng nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng Việt Nam vẫn chi tới 681 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 49,4% tổng giá trị nhập khẩu.

Trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Riêng mặt hàng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất.

Thuốc trừ cỏ hiện nay vẫn chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện sức lao động cho người nông dân. Ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ, dẫn tới nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp; Vì vậy, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc trừ cỏ là một yêu cầu đặc biệt cấp bách hiện nay.

Thuốc trừ cỏ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không có tác động của các biện pháp bảo vệ thực vật, sâu bệnh hại và cỏ dại thì năng suất cây trồng có thể giảm tới 70-75%, trong đó riêng cỏ dại làm giảm năng suất 40-45%.

Ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật
Việt Nam xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc BVTV như một thói quen

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), mặc dù pháp luật về quản lý thuốc trừ cỏ đã khá đầy đủ, đồng bộ, hài hòa với các nước trong khu vực và trên thế giới; bên cạnh đó, công nghệ để phân tích, kiểm định chất lượng về thuốc BVTV cũng từng bước được nâng cao. Thế nhưng, sản xuất của Việt Nam còn nhỏ, manh mún, hiểu biết của người sử dụng thuốc còn hạn chế, người nông dân hiện vẫn đang sử dụng thuốc dựa vào thói quen.

Trong khi đó, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc còn quá nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm và phát huy đúng mức.

Để quản lý, sử dụng thuốc trừ cỏ một cách hiệu quả, ông cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý thuốc theo hướng chặt chẽ, đủ sức răn đe, có thể áp dụng kỹ thuật camera giám sát việc sử dụng thuốc trên đồng ruộng để phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm. Ngoài ra, cùng với loại bỏ các thuốc độc hại cần bố trí kinh phí và thực hiện việc đánh giá, phát hiện các thuốc kém chất lượng, hiệu lực thấp để loại bỏ khỏi Danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam, ông cho hay.

Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam cần có lộ trình để giảm thiểu lượng thuốc BVTV dùng trên cây trồng, khuyến khích sử dụng các loại thuốc BVTV thân thiện môi trường, ít độc hại và loại bỏ các loại thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.

2. Những tác động khôn lường

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, nhưng việc quá lạm dụng cũng là con dao 2 lưỡi dẫn đến những hậu họa khôn lường, nhất là đối với sức khỏe con người và môi trường.

Việc lạm dụng thuốc BVTV đem lại những hệ lụy xấu, tiêu cực. Thuốc gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn. Dùng thuốc không đúng kỹ thuật, sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh.

Thuốc BVTV nhiều khi còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản làm ngộ độc người sử dụng giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Sử dụng thuốc BVTV càng nhiều, càng rộng, càng không đúng kỹ thuật thì những nhược điểm, hạn chế, tiêu cực của thuốc càng lớn, càng nguy hại.

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc BVTV với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, chỉ trong tháng 4-2019 nước ta nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt gần 82 triệu USD, số liệu từ Tổng cục Hải Quan.

Mới đây, tòa án Mỹ phán quyết chất glyphosate thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có liên quan đến ung thư. Trong khi đó hóa chất này cũng như nhiều thuốc bảo vệ thực vật độc hại khác vẫn đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Hay vào cuối năm 2018, một kết quả xét nghiệm từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, có 31/67 người dân thuộc bốn huyện ngoại thành Hà Nội đang có thuốc BVTV tồn dư trong máu và một người ở mức rủi ro. Đặc biệt, nhiều người trong nhóm này là nhân viên, cán bộ, ở các xã, thị trấn không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang lo sợ.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay tất cả loại hóa chất BVTV đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình.

Theo đó, thông thường có 3 con đường chính để thuốc BVTV đi vào cơ thể. Thứ nhất, ăn các loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly. Thứ hai, qua đường hô hấp khi chúng ta hít phải thuốc, có thể đi qua chỗ người ta đang phun thuốc, gió thoảng qua. Thứ ba là qua việc tiếp xúc trực tiếp, tức sử dụng các loại thuốc mà không đeo găng tay, đồ bảo hộ.

“Tuy nhiên tình trạng nhiễm độc hóa chất BVTV, cũng như mức độ độc hại sẽ tùy theo loại hóa chất và liều lượng dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn”, PGS.TS Thịnh lưu ý.

Trong tự nhiên, có các loài gây hại thì cũng có các loài có lợi. Các loài thiên địch để cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên khi con người sử dụng thuốc BVTV thì đã tác động một cách tiêu cực, gây mất cân bằng và mất đi sự ổn định trong tự nhiên.

Bởi thuốc BVTV có tác dụng tiêu diệt các loài gây hại. Đồng thời, nó cũng giết chết rất nhiều loài có lợi. Ví dụ như những loại thiên địch như ong kí sinh hay côn trùng bắt mồi, thường nhạy cảm với thuốc hơn những loài gây hại. Sau khi dùng thuốc, số lượng côn trùng và sâu gây hại chết rất nhiều, làm các loài thiên địch bị thiếu thức ăn và chết dần, phần khác thì lại bị ngộ độc từ con mồi đã bị trúng thuốc.

Thuốc BVTV sau khi đước sử dụng một phần sẽ bị bay hơi; một phần được quang hóa; một phần cây sẽ hấp thu và phân giải, chuyển hóa. Tuy vậy, dù có sử dụng bằng cách nào thì cuối cùng thuốc BVTV vẫn bị ngấm vào vào đất. Nếu loại thuốc có tính độc cao sẽ giết chết rất nhiều sinh vật có lợi trong đất. Kể cả thời gian phân hủy dài thì khổng đủ thời gian để đất phân hủy hết. Đặc biệt nếu dùng lâu dài và liên tục, chắc chắn các chất độc hại sẽ bị tích lũy lại dần trong đất.

Theo đó, tồn dư thuốc BVTV trong đất sẽ gây hại cho cây trồng. Đặc biệt là nhóm Clo có trong nó cực kì khó phân hủy trong nhiều năm. Điều này dẫn đến việc lượng tồn dư khi ở lại trong đất quá lâu sẽ sinh ra một hợp chất mới. Thường sẽ có độc tính cao hơn cả bản thân nó ban đầu.

Những phần thuốc BVTV khi chưa thấm vào đất thì chảy tràn trên đồng ruộng, kênh rạch hay thông qua đất mà ngấm vào mạch nước ngầm. Chưa kể những bao bì hay lọ thuốc mà người dân vứt bỏ ngoài đồng ruộng, hay khi xục rửa các dụng cụ chứa thuốc rồi đổ ra các nguồn nước gần đó. Gây ô nhiễm nước một cách nghiêm trọng. Làm ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật sống dưới nước. Đồng thời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người.

Theo những thống kê trong lịch sử sử dụng thuốc BVTV cho thấy, dịch hại mới không phải là từ những nơi khác di chuyển đến, mà là dịch hại thứ yếu có ngay tại địa phương đó, chỉ là chúng bị tác động và dần phát triển hơn mà thành dịch hại.

Bởi vì, thuốc bảo vệ thực vật sau một thời gian dùng thì những loài có hại chính sẽ dần suy yếu đi. Song, các vật phá hủy ở mức nhẹ trước đó lại có xu hướng phát triển, mạnh dần lên. Bởi, sau khi dùng thuốc, dịch gây hại bị giảm số lượng sinh vật trong quần thể nhanh nhưng lại phục hồi dễ dàng với số lượng lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Từ đó, hình thành dịch nguy hiểm, gây thiệt hại nặng cho người nông dân. Những dịch bệnh nhờ vậy mà lại hình thành mới, xử lý sẽ khó hơn nhiều và cần thời gian mới nghiên cứu ra thuốc nhằm tiêu diệt chúng tận gốc.

Thường thì khi sử dụng thuốc BVTV sẽ có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với vườn không sử dụng thuốc. Song cũng có nhiều trường hợp sử dụng thuốc BVTV nhưng lại không có hiệu quả cao. Dẫn đến chi phí đầu vào cao trong khi sản phẩm thì chứa dư lượng không được thị trường chào đón. Và kết quả là không có hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, việc xuất hiện các dịch hại mới khiến người dân mãi phụ thuộc vào thuốc BVTV. Hay những chi phí để khắc phục sự ô nhiễm đất, ô nhiễm nước do thuốc BVTV gây ra. Những tổn thất khi các sản phẩm bị tồn đọng lại, không thể xuất khẩu vì có chứa dư lượng của các chất gây hại. Tất cả đe dọa một cách nghiêm trọng cho cả hệ sinh thái, cho sức khỏe con người.

Nếu người canh tác hay người phun chủ quan, không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, không vệ sinh tốt sau khi phun xịt thuốc. Chắc chắn sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản và trong môi trường (đất, nước, không khí) sẽ tham gia vào chuỗi thức ăn của con người. Bắt đầu quá trình gây hại trực tiếp cho con người và môi trường. Chúng có thể tác động ngay lập tức, tiềm ẩn hoặc tích lũy theo thời gian tới sức khỏe của con người. Một số loại hóa chất BVTV và hợp chất của chúng qua xét nghiệm cho thấy có thể gây quái thai và bệnh ung thư cho con người.

Thuốc bảo vệ thực vật đã và đang gây ra những tác hại cực kì nghiêm trọng. Do đó phải thận trọng khi bảo quản, sử dụng thuốc. Phải dùng đúng liều lượng, đúng chủng loại, đúng lúc, đúng phương pháp. Sử dụng theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc chỉ dẫn ghi trên bao bì, nhãn mác. Các vỏ bao bì chứa đựng thuốc sử dụng xong phải được xử lý đúng cách. Không làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới con người và vật nuôi.

3. Tăng cường công tác quản lý

Trong những năm qua, các quy định về quản lý thuốc BVTV luôn được rà soát, bổ sung, sửa đổi, nhằm đạt hiệu quả ở các khâu từ đăng ký, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng đến tiêu hủy thuốc. Theo Cục BVTV, đến nay, hành lang pháp lý phục vụ quản lý nhà nước về thuốc BVTV là tương đối đầy đủ. Đặc biệt, ngày 1/1/2015, Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật đã chính thức có hiệu lực. Đây là văn bản và cơ sở pháp lý cao nhất cho vấn đề quản lý, sử dụng, kinh doanh thuốc BVTV. Dưới Luật là một loạt các nghị định, thông tư giúp cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương thực thi tốt việc quản lý này từ khâu đăng ký, khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng các loại thuốc BVTV được đưa ra sử dụng tại Việt Nam cũng như trước khi nhập khẩu. Cho đến nay Việt Nam đã có hơn 600 tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho công tác từ khảo nghiệm cũng như công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng thuốc BVTV nhằm đưa các sản phẩm đến tay người dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật
Những chai lọ, gói nhựa đựng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng chưa được thu gom bỏ vào nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Công tác kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV được phân cấp cụ thể từ Trung ương đến địa phương, nhằm hướng dẫn và giám sát người nông dân sử dụng theo nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng lúc). Ngoài ra, hằng năm, các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin và tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cho người dân theo đúng nội dung nhãn mác. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, tập huấn bổ sung kiến thức mới cho hộ kinh doanh thuốc BVTV; tập huấn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, xử lý thu gom bao bì sau sử dụng đúng nơi quy định cho hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân.

Trên cơ sở hành lang pháp lý tương đối đầy đủ như vậy thì đến nay các danh mục thuốc BVTV của Việt Nam có 4.068 sản phẩm, trong đó có gần 1.000 sản phẩm có nguồn gốc sinh học. Đây là yếu tố quan trọng phục vụ tốt cho việc tiến tới nền nông nghiệp sạch và hữu cơ. Ngoài gần 1.000 sản phẩm sinh học thì có gần 400 loại thuốc BVTV khác có các hoạt chất thuộc thế hệ mới. Bộ thuốc BVTV hiện nay của Việt Nam được các nước trong khối ASEAN và các nước phát triển đánh giá là khá chuẩn và hầu hết là các thuốc thế hệ mới.

Tuy nhiên, với hơn 10 triệu nông hộ với quy mô rất nhỏ, lẻ ở nước ta thì việc tiếp cận đến toàn bộ người nông dân để hướng dẫn các kiến thức về nông học và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) là một thách thức, không những đối với cơ quan nhà nước mà cả các công ty trong lĩnh vực thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường vẫn tồn tại một thực trạng khá nhức nhối gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nông sản, cũng như môi trường, đó là hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của thuốc BVTV và một bộ phận kinh doanh không chân chính đã đưa những sản phẩm này ra thị trường làm ảnh hưởng đến người nông dân, đến các nhà sản xuất thuốc BVTV chân chính.

Ngoài ra, để tăng năng suất, một bộ phận người dân đã cố tình chọn dùng những loại thuốc BVTV có tác dụng nhanh hoặc tự ý tăng liều lượng làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp và môi trường. Trong khi đó, nhiều loại thuốc BVTV sinh học hoặc nguồn gốc sinh học rất an toàn cho môi trường nhưng do tác dụng chậm nên ít được sử dụng.

Để quản lý chặt chất lượng thuốc bán trên thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm đến kiểm tra chất lượng thuốc trước khi nhập khẩu hoặc đưa ra sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho người kinh doanh, yêu cầu các hộ ký cam kết không bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép được lưu hành tại Việt Nam; tăng cường kiểm tra và xử phạt theo đúng Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật (hiệu lực từ ngày 1/1/2015)… Đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, giấy phép vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật…

Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là cơ chế chính sách, chỗ nào chưa phù hợp, chỗ nào cần bổ sung để đáp ứng tình hình sản xuất mới hiện nay, đặc biệt làm sao đáp ứng nền nông nghiệp sản xuất hữu cơ cũng như nền nông nghiệp sạch; Xây dựng và hoàn thiện ngay các quy chuẩn kỹ thuật liên quan tới việc kiểm tra, kiếm định chất lượng các loại thuốc BVTV để sớm được sản xuất và đến tay người sử dụng là những sản phẩm thực sự có hiệu quả và chất lượng.

Cùng với đó, tiếp tục đưa ra những chế tài và quy định rõ ràng hơn trong việc rà soát loại bỏ các loại thuốc BVTV độc hại và gây mất an toàn trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường. Đồng thời, khuyến khích đưa các loại thuốc BVTV thế hệ mới và thuốc sinh học vào trong danh mục.

Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là nâng cao nhận thức và chuyển biến nhận thức của người dân. Đặc biệt, cần tiếp tục đấu tranh ngăn chặn các loại thuốc BVTV nhập lậu để làm lành mạnh hóa thị trường thuốc BVTV hiện nay, bảo đảm người dân được sử dụng những loại chất BVTV sinh học thế hệ mới, an toàn, thân thiện môi trường.

HB

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động