PGS. TS Lê Mạnh Tân: Thành công không nằm trên trang giấy mà là ở giá trị thực tiễn…

17/09/2018 21:18 Tăng trưởng xanh
Một nhà quản lý giáo dục xuất sắc, một nhà khoa học tài ba, một con người tài đức vẹn toàn,… là những ngôn từ thường được nhắc đến bên cạnh tên ông - PGS. TS Lê Mạnh Tân. Nhưng điều đó dường như chưa đủ khi ông còn là một con người giàu tâm huyết, luôn gắn thành công của mình với thực tiễn cuộc sống của người dân.

PGS. TS Lê Mạnh Tân: Thành công không nằm trên trang giấy mà là ở giá trị thực tiễn…

PGS. TS Lê Mạnh Tân

Động lực từ những giá trị truyền thống
Rào cản và những điểm tựa, đó là hai thái cực đối lập tồn tại song hành trong suốt quá trình trưởng thành của PGS. TS Lê Mạnh Tân. Ông sinh ra và lớn lên tại xóm Mậu, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa - một miền quê nghèo nhưng luôn lấy học thức làm nền tảng để đánh bật những khó khăn. Bên cạnh việc được kế thừa những truyền thống quý báu của quê hương, ông còn may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, khoa bảng, Cụ tổ ông chính là cụ Lê Bật Tứ, đỗ tiến sĩ khoa bảng năm Quang Hưng 21 (1598) đời Lê Thế Tông và tên tuổi cụ được khắc trên bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhà thờ Lê Bật ở Thanh Hóa nay còn được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, cũng có tấm bia Tiến sĩ mang tên cụ.
Năm 17 tuổi (1970), ông trúng tuyển trong đợt thi tuyển chọn học sinh đi du học Liên Xô theo chương trình bậc Đại học. Mang theo niềm tự hào và cả những trách nhiệm lớn lao của một người công dân đất Việt, trong những năm tháng nơi đất khách quê người dù phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng luôn rực cháy trong ông là niềm say mê học hỏi và khát khao, chinh phục tri thức khoa học. Từ khi còn là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Bacu (hệ đại học 5 năm), ông đã trở thành người đầu tiên của ngành Địa chất làm đề tài nghiên cứu khoa học. Vào đầu năm 4 đại học, ông xin thầy chủ nghiệm bộ môn Khoáng sản GS.TSKH Xubkhi Bectasi đề tài nghiên cứu khoa học sau khi đã có tương đối kiến thức về khoa học địa chất và được học một năm chuyên ngành. Vì chưa có hiểu biết gì về quặng Cromit quê nhà (Mỏ Cromit mang tên đơn vị hành chính tổng ngày xưa quê ông là Cổ Định) nên ông muốn làm đề tài nghiên cứu về khoáng vật này để sau này có thể ứng dụng vào thực tiễn nước nhà. Về sau, đề tài nghiên cứu này được chính thầy Bectasi nâng lên thành đề tài tốt nghiệp Đại học của ông. Kết thúc chương trình Đại học, với vốn kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản, ông trở về nước bắt đầu một hành trình mới.
Dấu ấn mang tên “người đặt nền móng”
Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè, đồng nghiệp và học trò lại đặt cho PGS. TS Lê Mạnh Tân những danh xưng đầy tự hào như “người đi đầu”, “người đặt nền móng”... Dù trên bất kỳ cương vị nào, là một nhà quản lý giáo dục hay một nhà khoa học thì ông vẫn luôn ghi đậm dấu ấn bằng những thay đổi, những đổi mới, những bước đi tiên phong vô cùng táo bạo và đầy ý nghĩa.
Chỉ trong vòng 3 năm, sau khi ông đảm nhận vị trí Trưởng khoa Môi trường tại Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ông đã mở được 2 ngành đào tạo Đại học (ngành Khoa học môi trường và ngành Công nghệ môi trường). Không chỉ vậy, ông đồng thời còn mở liên tiếp 2 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ (chuyên ngành Khoa học môi trường; chuyên ngành Quản lý môi trường) và 2 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ (chuyên ngành “Đất và Nước” và chuyên ngành “Quản lý tổng hợp đới bờ”) tạo nên những bước đi đột phá trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nói riêng đồng thời còn góp phần tạo tiền đề cho những thành công của nền giáo dục bậc Đại học nói chung của nước nhà.
Ông còn thành công mở thêm Trường Đại học Thủ Đầu một vào ngày 24 tháng 6 năm 2009 theo Quyết định số 900/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp từ trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Trường ra đời chính là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển kinh tế cũng như xã hội của tỉnh Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Qua gần 10 năm hình thành và phát triển, trường đã định hình là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực. Với tôn chỉ đào tạo “Tri thức - Phát triển - Phồn vinh”, trường Đại học Thủ Dầu Một đang dần khẳng định vị thế của một đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, là đại diện tiêu biểu cho sức mạnh tri thức của tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, PGS. TS Lê Mạnh Tân còn góp phần quan trọng vào thành công của dự án VACI 2013 - P.75 về tăng cường dạy chữ - dạy người cho sinh viên, hỗ trợ giáo dục liêm chính cho thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Thành công của dự án đã được Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Đặng Huỳnh Mai hết sức ủng hộ và khen ngợi…
Thành công trong vai trò của một nhà quản lý, PGS. TS Lê Mạnh Tân còn được kính trọng bởi tinh thần lao động không mệt mỏi của một nhà khoa học chân chính. Khi nói đến công trình ông nghiên cứu phải kể đến đề tài “Xử lý nước thải sinh hoạt tại trại giam Buôn Ma Thuột”. Tuy là công trình xử lý nước thải sinh hoạt thông thường, nhưng nhờ tận dụng được lợi thế về độ dốc cũng như diện tích, đoàn nghiên cứu đã quyết định xử lý bằng biện pháp cho dòng nước tự chảy theo thế năng, xử lý ô nhiễm trong hồ sinh học trồng các cây lau sậy, tiết kiệm được hơn 30% chi phí xử lý nước thải. Bên cạnh đó là đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng chất lượng nước nuôi tôm Cần Giờ và đề xuất biện pháp xử lý”. Tính đến nay, công trình đã hoàn thành được hơn 15 năm, cùng với đó hoạt động nuôi tôm của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã rất phát triển, tuy nhiên những cảnh báo về mặt môi trường như kênh cấp, kênh thoát nước, làm sạch đáy ao làm sao không bị xì phèn, tôm giống, bệnh tôm… vẫn còn nguyên giá trị. Hay một đề tài khác là “Nghiên cứu xác định những nguyên nhân suy thoái ốc gạo tỉnh Tiền Giang và đề xuất các giải pháp quy hoạch bảo tồn và phát triển”. Vào khoảng những năm 70, ốc gạo nơi đây từng được mệnh danh là huyền thoại của Mỹ Tho với sản lương thu hoạch gần trăm tấn nhưng giờ chỉ còn tính bằng trăm ký vẫn là “vàng” với nhóm nghiên cứu của ông. Mẫu nước thì có thể lấy dễ dàng, nhưng để lấy được mẫu bùn đáy lại là một quá trình hết sức khó khăn vì phải lấy đi lấy lại nhiều lần hoặc đôi khi thợ lặn chưa lấy đạt yêu cầu, hoặc do sơ sẩy khi trút bùn sang ống đựng mẫu bị chồng lên nhau. Thế nhưng sau khoảng thời gian khá dài miệt mài, ông đã tìm ra nguyên nhân chính khiến cho ốc gạo trên sông bị suy thoái nghiêm trọng. Đó là việc khai thác cát trên sông không được thực hiện một cách khoa học, vừa làm mất đi nguồn thức ăn và cư ngụ của loài ốc gạo, vừa làm vẩn đục nước dẫn tới tình trạng ốc gạo chết hàng loạt vì ốc gạo thường chỉ sống ở vùng nước sạch. Trước tình hình đó, ông đã kịp thời đưa ra được các biện pháp quy hoạch, bảo tồn và phát triển một cách hợp lý. Chính biện pháp ấy đã vực dậy sự sống và sự sinh sôi, nảy nở cho loài ốc gạo dần như đã không còn là huyền thoại trăm tấn nữa... Ngoài ra, ông còn nghiên cứu nhiều vấn đề khác như: Đặc điểm thạch học núi Bình Châu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Đánh giá ô nhiễm môi trường khu vực Nam Bình Chánh - Bắc nhà Bè, TP. HCM; Xử lý nước thải cà phê công nghệ ướt tại Vinacàphê Đà Lạt;…

Thiên Kim
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động