Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Kon Tum

06/05/2024 07:51 Quản lý nguồn thải
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, ngày 22/4/2024, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Công văn số 1366/UBND-NNTN về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, thống nhất; xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý…
Kon Tum đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Kon Tum đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Kon Tum mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn chất thải rắn sinh hoạt (số liệu đến cuối năm 2023), trong đó có 122 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 158 tấn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý địa bàn tỉnh khoảng 86,8%. Tuy nhiên hình thức xử lý tại một số bãi chôn lấp chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường; tỷ lệ chất thải xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường khoảng 60%.

Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố có khu xử lý chất thải rắn tập trung. Trong đó, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên đa số ở trong tình trạng quá tải; không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Riêng huyện Ia H’Drai chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom, chưa có khu xử lý chất thải rắn tập trung. Hiện nay, huyện đang đề xuất chủ trương xin đầu tư, xây dựng bãi rác.

Có hai nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Cụ thể, Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đăk Hà tại xã Hà Mòn của Công ty TNHH TM&CN môi trường DH, công suất xử lý 75 tấn rác/ngày, đêm, đi vào hoạt động từ tháng 9/2020.

Tại thành phố Kon Tum có nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum, công suất xử lý 200 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm. Tuy nhiên, nhà máy đang tạm dừng hoạt động do liên quan đến công tác đấu thầu. Mới đây, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thủ tục đầu tư và quá trình đầu tư tại nhà máy này.

Thời gian qua tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường nói chung cũng như quản lý chất thải nói riêng. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý là phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, mà thu gom lẫn lộn; được xử lý theo hình thức chôn lấp là chủ yếu; nhiều bãi chôn lấp bị quá tải, không hợp vệ sinh, phát tán mùi hôi.

Một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên, hầu hết lượng chất thải này được người dân tự thu gom xử lý nên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.

Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên gấp 1,25 lần so với năm 2019. Kon Tum cần giải quyết tốt bài toán quản lý chất thải để giảm tải áp lực cho công tác bảo vệ môi trường và hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển xanh, bền vững thông qua cơ chế, chính sách cũng như thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện của tỉnh. cơ quan quản lý

Tăng cường quản lý chất thải

Nhận thức được các tồn tại trong công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được “luật hóa” tại Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, chất thải rắn xây dựng cũng được tỉnh chú trọng thực hiện quản lý bằng việc thông qua Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND ngày 09/5/2023, UBND tỉnh về Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Để việc quản lý chất thải được đồng bộ, liên tục theo Công văn số 1786/BTNMT-KSONMT ngày 22 tháng 3 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ngày 22/4/2024, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Công văn số 1366/UBND-NNTN về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, thống nhất; xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý…

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp đề xuất bố trí quỹ đất xây dựng mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố; trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định pháp luật.

UBND các huyện, thành phố từng bước triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, thống nhất tại địa phương, ưu tiên triển khai trước đối với những khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong quá trình thực hiện, lưu ý nghiên cứu, áp dụng phù hợp theo Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức thu gom và đề xuất UBND tỉnh ban hành mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Tổng hợp, đề xuất bố trí quỹ đất xây dựng mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.

Chỉ đạo các Phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung tay thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt....

Để hướng đến phát triển thành địa phương xanh - sạch - đẹp, ngoài việc làm tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung, tỉnh cũng cần tăng cường hoạt động truyền thông về thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn thì cần quản lý chặt chẽ quy hoạch chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động