Kon Tum: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

13/07/2023 12:57 Địa phương
Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, quản lý chất thải phát sinh và tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh Kon Tum
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh Kon Tum

Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường

Cùng với xu hướng chung của cả nước là phát triển kinh tế xanh và bền vững, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đến công tác xử lý chất thải trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom đạt trên 85%, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 83,33%; tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 64,3%.

Để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, tỉnh Kon Tum đã triển khai lộ trình và giải pháp xử lý rác thải, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2025, có 90% rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom.

Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A với các dự án thực hiện năm 2022 và nửa đầu năm 2023; 100% cơ sở, dự án đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum. Hoạt động này đã giúp tỉnh Kon Tum kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm và thuận lợi hơn trong việc theo dõi, quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý những sự cố về ô nhiễm môi trường.

Cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A trên địa bàn toàn tỉnh
Cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A trên địa bàn toàn tỉnh

Nỗ lực thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu

Kon Tum vốn là vùng đất nhận được nhiều ưu ái của thiên nhiên bởi khu vực này nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt độ tương đối ôn hòa, lượng mưa dồi dào, quanh năm chan hòa ánh nắng. Do vậy mà khu vực này có hệ sinh thái phát triển phong phú, đa dạng, qua đó góp phần quan trọng vào việc điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn tài nguyên nước cho khu vực và các vùng lân cận. Tuy nhiên, cũng giống như các vùng khí hậu khác, khí hậu Kon Tum chịu sự chi phối mạnh mẽ của hoàn lưu khí quyển, một trong ba nhân tố cơ bản hình thành nên khí hậu của tỉnh nên những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang có ảnh hưởng rõ nét tới khí hậu của tỉnh. Ngược lại, những thay đổi về diện mạo và lớp thảm phủ của bề mặt đất của tỉnh cũng có tác động làm thay đổi mức độ nhận, trả lượng bức xạ mặt trời, nhân tố quan trọng nhất trong ba nhân tố cơ bản tạo nên khí hậu địa phương, qua đó tác động trở lại quá trình biến đổi khí hậu.

Các hiện tương thời tiết nguy hiểm khác như dông, lốc xoáy, mưa đá xuất hiện ngày càng nhiều và khó dự báo là những biểu hiện có thể nhận thấy được do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Kon Tum đã sớm đưa ra nhiều giải ứng phó với biến đổi khí hậu trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Kon Tum (tại Quyết đinh số 187/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2021).

Tính đến thời điểm hiện nay, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững cũng đã cơ bản được cải thiện rõ rêt.

Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào thành công của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính hướng đến việc triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính sau 2020.

Tỉnh đã cập nhật, bổ sung kịch bản kiến đổi khí hậu và xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn toàn tỉnh bên cạnh việc nâng cao nhận thức của cộng đồng ứng phó với thiên tai có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu tại tỉnh Kon Tum đã từng bước đi vào thực hiện có hiệu quả.

Không dừng lại ở các kết quả đạt được trong thời gian qua trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Kon Tum tiếp tục phấn đấu hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách của tỉnh trong đó ưu tiên các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để cụ thể hóa các từ chủ trương biến thành hành động, ngày 5 tháng 7 năm 2023, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Văn bản số 2099/UBND-NNTN về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu tại Báo cáo số 373-BC/TU ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Tỉnh ủy trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.

Về bảo vệ môi trường

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, cụ thể hóa trách nhiệm của địa phương, làm cơ sở thực hiện công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo diễn biến chất lượng của môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là về thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định. Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí....). Tiếp tục rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) để yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định.

Tiếp tục phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong bảo vệ môi trường; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, người dân trong công tác bảo vệ môi trường….

Về ứng phó với biến đổi khí hậu

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chỉ đạo, điều hành và quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước các tác động do biến đổi khí hậu; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đa mục tiêu đang triển khai; rà soát, đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng mới các công trình thủy lợi để cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, nâng cao mức an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai, an toàn hồ, đập bằng các công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, ưu tiên các giải pháp phi công trình. Chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.

Để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, Kon Tum còn nhiều việc phải làm trong đó đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững luôn là nhiệm vụ then chốt, mang tính chiến lược.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động