Kon Tum: Tăng cường phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực môi trường
Tăng cường phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hướng đến bảo vệ môi trường |
Ngành Công nghệ sinh học tạo ra những sản phẩm sinh học mang lại lợi ích cao, không chỉ phục vụ tốt nhất cho lợi ích con người mà còn có nhiệm vụ phát triển nền kinh tế xã hội và góp phần bảo vệ môi trường sống trên trái đất.
Với nhiều thành tựu khoa học cùng công nghệ vượt bậc của nhân loại, công nghệ sinh học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao được nhiều quốc gia trên thế giới tập trung phát triển. Tại nước ta, công nghệ sinh học được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, năng lượng, y học và bảo vệ môi trường.
Nhận thấy được tiềm năng phát triển của công nghệ sinh học của tỉnh cũng như các giá trị mà công nghệ sinh học đem lại, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã và đang có nhiều nỗ lực trong định hướng và phát triển ngành công nghệ sinh học ngay từ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về công nghệ sinh học đến triển khai thực hiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cũng như tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của tỉnh.
Ngày 7/6/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 57-CTr/TU ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị “về phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới”, trong đó yêu cầu quán triệt đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh xác định việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ cần thiết là tăng cường công tác truyền thông về các thành tựu công nghệ sinh học; kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường, đẩy mạnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học trong thực tiễn sản xuất và đời sống.
Kon Tum hướng đến mục tiêu phát triển công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của tỉnh |
Tỉnh tiếp tục dồn các nguồn lực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ khoa học về công nghệ sinh học, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, môi trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ sinh học trong các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh. Tạo mọi điều kiện để khuyến khích phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trong nhân dân, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng sạch và tái tạo, bảo vệ môi trường, y tế... Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được tái tạo từ phế liệu, phế thải, thực vật. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm có nguồn gốc sinh học.
Riêng với lĩnh vực môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, ưu tiên xử lý chất thải y tế; chất độc hóa học; chất thải trong sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản và chăn nuôi; chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt, chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, biện pháp sinh học để sản xuất các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường; xử lý các loại chất thải rắn, nước thải, khí thải tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện, bãi rác, khu đô thị; trong ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong tái chế chất thải; xử lý phụ phẩm nông nghiệp; xử lý chất thải chăn nuôi; sản xuất năng lượng sạch; năng lượng tái tạo từ thiên nhiên và các nguồn chất thải phát sinh từ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên (tài nguyên rừng, đất, nước, không khí, đa dạng sinh học…); nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng có hiệu quả nguồn gen sinh vật.
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghiệp, y học, nông nghiệp, hóa chất… đặc biệt là với lĩnh vực môi trường. Càng ngày, công nghệ sinh học càng chứng tỏ là một trong những lĩnh vực công nghệ dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, đóng góp lớn cho quá trình phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải carbon, góp phần giải quyết các thách thức phi truyền thống như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng... Tăng cường phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học nói chung và trong lĩnh vực môi trường nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.