Thanh Hóa sẽ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn
Theo số liệu thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm (342 cơ sở); chế biến đá xẻ, đá ốp lát (190 cở sở); chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng (109 cơ sở); thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì (75 cơ sở); sản xuất bún (26 cơ sở); giết mổ gia súc, gia cầm (30 cơ sở); gia công cơ khí (19 cơ sở); sản xuất gạch không nung (14 cơ sở); các loại hình khác: ươm tơ, dệt nhiễu, chế biến thức ăn chăn nuôi, sữa chữa ô tô, sản xuất bia, kinh doanh than…): 21 cơ sở. Các cơ sở này tập trung ở 18/27 huyện, thị xã, thành phố như: thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn, huyện Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương.
Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường sẽ được di dời ra khỏi đô thị, khu dân cư (ảnh minh họa - nguồn Internet) |
Hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát trên đất ở của hộ gia đình, trên đất thuộc quy hoạch khu dân cư, đô thị.., mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động thủ công; chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường; không đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải hoặc công trình còn sơ sài, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân xung quanh.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nhận được nhiều đơn thư, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường do các cơ sở trên gây ra. Qua kiểm tra, xác minh cho thấy, hầu hết các cơ sở chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án Bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch Bảo vệ môi trường); chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước thải trước khi thải ra môi trường còn nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần; việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại chỗ của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất gặp nhiều khó khăn, do quỹ đất hạn hẹp, kinh phí hạn chế không đáp ứng được yêu cầu xây dựng công trình xử lý chất thải, ý thức chấp hành pháp luật về Bảo vệ môi trường còn hạn chế,... Qua việc phản ánh qua đơn thư, đường dây nóng thường xuyên của các hộ dân cho thấy những bức xúc trong việc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này cần phải được giải quyết dứt điểm.
Trước thực trạng trên, ngày 25/5/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, giao Ban Cán sự UBND tỉnh chuẩn bị Đề án “Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh” (nay đã được đổi tên thành Đề án “Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” theo Kết luận số 2351-KL/TU ngày 18/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
Ngày 24/04/2024 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Mục tiêu là xây dựng kế hoạch tổng thể, từng bước giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phấn đấu đến năm 2030 giải quyết cơ bản nguồn thải từ các cơ sở gây ô nhiễm trong đô thị và khu dân cư; Tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tồn tại kéo dài; Thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh.