Phân bón hữu cơ từ chất thải rắn

12/03/2024 08:08 Sản phẩm tái chế
Phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại các địa phương cũng như đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn đã và đang được các địa phương quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Việc tận dụng chất thải rắn cũng như các phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế đã và đang được nhiều doanh nghiệp và người dân hết sức quan tâm.
Sản phẩm phân bón hữu cơ Xuân Liêm
Sản phẩm phân bón hữu cơ Xuân Liêm

Nằm trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ" trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thí điểm 2 mô hình kinh tế tuần hoàn quản lý chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh: Mô hình thu gom riêng chất thải rắn hữu cơ từ các chợ Mạo Khê, chợ Bình Khê (thị xã Đông Triều) và chất thải rắn trong chăn nuôi (gà, bò) ở một số hộ chăn nuôi chuyển đến trang trại tại xã Bình Khê, để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ vùng trồng trọt; mô hình thu gom chất thải rắn hữu cơ sau dây chuyền sản xuất miến dong trên địa bàn huyện Bình Liêu, chế biến thành phân hữu cơ để phục vụ canh tác.

Sản phẩm phân bón hữu cơ của 2 mô hình thí điểm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, thương mại hóa và được phân phối rộng rãi trong và ngoài tỉnh; trong đó có sản phẩm phân bón hữu cơ Xuân Liêm của hộ nông dân Lê Xuân Liêm (thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều).

Phân bón hữu cơ Xuân Liêm được sản xuất từ tận dụng nguồn chất thải rắn hữu cơ trong chăn nuôi bò, gà và các loại rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, sau đó xử lý tạo thành phân bón hữu cơ, bước đầu đưa vào thí điểm các mô hình trồng lúa, na và thanh long trên địa bàn thị xã Đông Triều cho hiệu quả năng suất các loại cây trồng lên tới 70%.

Nằm trong khuôn khổ Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức giới thiệu mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải rắn hữu cơ và chất thải rắn trong chăn nuôi. Nhiều địa phương như Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên và các tỉnh lân cận khác muốn cũng mong được nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ để sản xuất tại địa phương mình.

Dự án mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại thị xã Đông Triều cũng đã được triển khai và mang lại hiệu quả với việc sử dụng bón phân hữu cơ được sản xuất từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn chăn nuôi cho cây na và lúa ở thị xã Đông Triều.

Để tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ nói riêng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục đề xuất các Dự án, chương trình cụ thể để phát triển các sản phẩm bảo vệ môi trường cũng như thực hiện kinh tế tuần hoàn tại các địa phương. Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục quán triệt các cơ quan quản lý, phối hợp cùng các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp chính quyền, các hộ nông dân quan tâm, hỗ trợ, nhằm phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình trên địa bàn. Cùng với đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động