Phát triển Nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

13/10/2023 08:15 Nghiên cứu trong nước
Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, có nền nông nghiệp phát triển, cơ cấu nhiều loại giống cây trồng được phân bố đều trên các vùng sinh thái khác nhau. Qua quá trình sản xuất, người dân trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm đa dạng, có chất lượng, bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát triển nền nông nghiệp xanh ở vùng Đồng bằng sông Hồng Phát triển nền nông nghiệp xanh ở vùng Đồng bằng sông Hồng

1. Khái quát về nông nghiệp sinh thái

Nông nghiệp sinh thái (NNST) đang là hướng đi nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, NNST với vai trò là giải pháp hiệu quả cho biến đổi khí hậu và các thách thức liên quan đối với các hệ thống lương thực.

Với cách tiếp cận tổng thể, NNST cân bằng mối quan hệ giữa con người và hành tinh, thúc đẩy cả ba khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội; đồng thời, tăng cường sinh kế cho nông dân sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên.

Cho đến nay, có nhiều cách nhìn nhận, cách hiểu khác nhau về NNST, thể hiện sự phát triển của khái niệm toàn diện hơn và chú ý đến việc làm thế nào mở rộng nguyên lý của NNST trong toàn bộ nền nông nghiệp. Các khía cạnh của phát triển nông nghiệp theo NNST là: (i) Phát triển hệ thống canh tác nông nghiệp theo hướng giảm thiểu đầu vào từ bên ngoài, sử dụng tối ưu nguồn lực địa phương; (ii) Áp dụng lý thuyết sinh thái để nghiên cứu, thiết kế, quản lý và đánh giá hệ thống nông nghiệp; (iii) Sử dụng kết hợp kỹ thuật canh tác truyền thống và hiện đại để làm lợi cho môi trường, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái; (iv) Từng bước chuyển đổi việc thực hành nông nghiệp không bền vững về mặt sinh thái đối với các tài nguyên thiên nhiên chủ yếu trong nông nghiệp (đất, nước) sang nền nông nghiệp bền vững về mặt sinh thái.

Khác với những nền nông nghiệp khác, nền NNST cần phải đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

- Tính đa dạng sinh học: Tính đa dạng sinh học là phải đảm bảo các qui luật sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái phải được cân bằng. Thực hiện đa dạng sinh học cũng là thực hiện đa dạng hóa những nguồn thu nhập, giảm nguy cơ mất mùa toàn bộ, do đó, cần phải trồng nhiều giống cây trồng, vật nuôi khác nhau; thực hiện luân canh, xen canh; lai tạo giống mới… để có năng suất cao hơn; canh tác theo phương thức nông - lâm kết hợp; bảo tồn và giữ gìn các giống cây trồng, vật nuôi khác loài làm tăng tính đa dạng sinh học.

- Nuôi dưỡng đất cho đất sống: “Đất sống” là loại đất có nhiều chất dinh dưỡng, có độ màu mỡ cao và đặc biệt trong đất có chứa nhiều sinh vật sống. Hoạt động của những sinh vật này ở trong đất sẽ là yếu tố có tính chất quyết định cho sức khỏe, độ dẻo dai và độ phì nhiêu của đất. Vì vậy, cần phải tạo những điều kiện thuận lợi để các sinh vật đất phát triển. Muốn nuôi dưỡng đất chúng ta cần: thường xuyên bón phân hữu cơ; che phủ mặt đất để chống xói mòn, rửa trôi; tìm các biện pháp để khử các yếu tố gây hại cho đất.

- Đảm bảo tái sinh vật chất: Trong đất nông nghiệp, hầu như tất cả sản lượng sinh khối bị lấy đi khỏi đất sau thu hoạch mà không có gì trả lại cho đất hoặc có thì rất ít, hoặc do bón phân hóa học quá nhiều sẽ làm cạn kiệt dần độ phì nhiêu của đất, đất sẽ bị chai cứng, bạc màu… dẫn đến chu trình tái sinh của đất bị rối loạn và nảy sinh nhiều vấn đề khác trong quá trình sản xuất. Thực hiện tái sinh vật chất là tạo ra mối quan hệ đúng đắn giữa các thành phần và tác nhân của hệ sinh thái nông nghiệp như: rơm rạ sẽ được cày vùi lại trong đất để làm phân hữu cơ thay vì bị đốt hoặc mang dùng vào việc khác; các loại cây trồng khác (ngô, đậu,…) sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô để che phủ mặt đất chống xói mòn đất và làm phân hữu cơ khi bị mục.

- Cấu trúc nhiều tầng: Cơ cấu cây trồng trong nền NNST chủ yếu là trải dài theo bề ngang nên cũng có những hạn chế nhất định. Do đó cần thực hiện gieo trồng theo phương thức nông lâm kết hợp, trồng xen vụ, trồng gối vụ….. để có thể khai thác khoảng không hiệu quả hơn.

Phát triển Nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Ảnh: Lê Minh Hoan (2022), Phát triển NNST, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, Tạp chí Cộng sản điện tử [1]

Có thể thấy, NNST dựa vào quy trình từ dưới lên và theo lãnh thổ, giúp cho việc đưa ra các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh từng vấn đề của mỗi địa phương. Các mô hình sản xuất NNST là những giải pháp chính để thâm canh nông nghiệp dài hạn, hạn chế chuyển đổi đất rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng vật tư, giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ các-bon thông qua tăng mùn trong đất, tăng thảm thực vật che phủ ở các diện tích bỏ hoang hóa tạm thời hoặc sử dụng lớp bổi.

Về cơ bản, NNST mềm dẻo trong các lựa chọn về qui mô (lớn - nhỏ) và tính chất (tích hợp một phần hoặc toàn phần), bởi vậy giúp cung cấp các giải pháp phù hợp với bối cảnh và giải quyết các vấn đề của địa phương, khu vực.

Trên cơ sở mục tiêu bảo vệ và khai thác hoạt động chức năng của hệ sinh thái (dịch vụ sinh thái), NNST có lợi thế thành công ở qui mô lớn, bởi vậy hình thức sản xuất nông nghiệp này thường dựa trên sự đồng sáng tạo kiến thức, kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương của các nhà sản xuất. Bằng cách tăng cường khả năng tự chủ và năng lực thích ứng của nhà sản xuất, NNST tăng quyền cho các nhà sản xuất và cộng đồng - đóng vai trò là tác nhân tạo ra thay đổi.

Về mặt kỹ thuật, NNST áp dụng các nguyên tắc sinh thái trong thiết kế hệ thống sản xuất nhằm tăng cường lợi ích sinh thái (như kiểm soát sinh học, thụ phấn, tái tạo dinh dưỡng, bảo vệ đất, nước…) theo các qui mô khác nhau. Các tiến trình sinh thái sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở áp dụng công nghệ. Bởi vậy thâm canh NNST hiện đại có thể kết hợp với nông nghiệp chính xác và ứng dụng công nghệ số.

2. Nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục khẳng định vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng NNST, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, có nền nông nghiệp phát triển, cơ cấu nhiều loại giống cây trồng được phân bố đều trên các vùng sinh thái khác nhau. Qua quá trình sản xuất, người dân trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm đa dạng, có chất lượng, bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hệ thống vườn - ao - chuồng (VAC): Được áp dụng phổ biến ở Việt Nam vào những năm 80, đây là hệ thống khép kín mà các thành phần trong hệ thống này có liên hệ mật thiết với nhau, sử dụng chất thải của thành phần này làm nguyên liệu đầu vào cho thành phần khác. Hệ thống VAC là một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, thống nhất các khâu, các thành phần, chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hầu hết các vùng ngoại thành, nông thôn Việt Nam. Đây có thể coi là mô hình NNST ở dạng thức đơn giản nhất và được áp dụng rộng rãi ở nông thôn.

Tại Phú Thọ, Hợp tác xã (HTX) trồng trọt, chăn nuôi xã Đồng Trung (khu 04, xã Đồng Trung) huyện Thanh Thủy đã chủ động áp dụng mô hình VAC trong sản xuất nông nghiệp tại các thành viên trong HTX; sự kết hợp hài hoà giữa vườn, ao, chuồng đã hình thành chuỗi giá trị khép kín, lấy ngắn nuôi dài, giảm chi phí đầu vào sản xuất, tăng thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống của hộ thành viên HTX. Với diện tích 1ha ao nuôi, các thành viên HTX trồng trọt, chăn nuôi xã Đồng Trung chủ yếu nuôi cá trắm, rô phi… rất nhiều sản phẩm và nguyên liệu được lấy từ ao là nguồn thức ăn bổ sung có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi, tận dụng nước thải từ vật nuôi đã qua xử lý đưa trở lại ao để trở thành nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cá. Mô hình VAC đã mang lại những hiệu quả cho các thành viên HTX như: tăng khả năng sản xuất trên diện tích đất, tận dụng được tối đa nguồn thức ăn tự nhiên, tận dụng được một lượng lớn phân hữu cơ để bón cho trồng trọt và cải tạo đất tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất. Năm 2022 HTX trồng trọt, chăn nuôi xã Đồng Trung có doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm, mô hình sản xuất của HTX đã góp phần thay đổi tập quán của các hộ thành viên từ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ sang tập trung, hướng đến liên kết tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập. [8]

Hệ thống nông, lâm kết hợp: Mô hình nông, lâm kết hợp là một hệ thống quản lý sử dụng đất, trong đó, cây hằng năm, cây bụi, cây thân thảo được trồng xung quanh hoặc xen giữa các cây trồng lâu năm, cũng có thể kết hợp đồng cỏ hoặc chăn nuôi như mô hình nuôi dê tại 2 huyện Thanh Sơn và Yên Lập kết hợp với trồng rừng đã khai thác được thế mạnh của địa phương như nguồn lao động, đất đai rộng lớn, thức ăn là lá cây, cỏ tự nhiên sẵn có đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sự kết hợp này tạo ra sự đa dạng, mang lại năng suất, lợi nhuận, sinh thái và bền vững trong sử dụng đất. Tính đa dạng sinh học trong các hệ thống nông, lâm kết hợp thường cao hơn trong hệ thống nông nghiệp thông thường. Do đó, nhiều trang trại, hộ nông dân đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình nông, lâm kết hợp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện sinh kế cũng như thích ứng với các tác động của BĐKH.

Hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ): Với mục tiêu giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu người tiêu dùng, hướng tới nền NNST bền vững, ngành Nông nghiệp Phú Thọ đã khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong sản xuất.

Việc sử dụng CPSH cho cây trồng đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực như: Không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như cây trồng, môi trường sinh thái; giúp cân bằng dinh dưỡng vi sinh vật của hệ sinh thái trong môi trường đất, có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Thời gian qua, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng (Viện Thổ nhưỡng nông hóa - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Công ty Biowish Việt Nam (Tập đoàn Biowish của Mỹ) nghiên cứu công thức và công nghệ sản xuất để đưa vi sinh vật có ích là dòng Bacillus vào phù hợp với môi trường sống của nhóm phân bón NPK-S Lâm Thao và phân bón Hữu cơ khoáng Lâm Thao. Việc phối trộn giữa phân vô cơ và các vi sinh có ích trong các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới và đa chức năng của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao không chỉ giúp giải quyết nhu cầu phân bón hữu cơ cho sản xuất sạch mà còn đáp ứng được nhu cầu tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã có 3,67 nghìn ha chè được cấp chứng nhận an toàn (RA, VietGAP), trên 2,1 nghìn ha bưởi sản xuất theo hướng an toàn (trong đó có 288 ha đạt chứng nhận VietGAP) ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý cây trồng tổng hợp ICM đối với các cây trồng chính đạt 78%; mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái [4].

Trong lĩnh vực chăn nuôi, bước đầu đã hình thành một số vùng chăn nuôi hàng hóa an toàn như: vùng chăn nuôi gà thả vườn tại xã Vạn Xuân (Cổ Tiết), Trung Thịnh (huyện Tam Nông), Liên Hoa, Lệ Mỹ (huyện Phù Ninh)... Việc đẩy mạnh sử dụng các loại vắc xin trong phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; sử dụng các hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; các chế phẩm sinh học xử lý nguồn nước và phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản… đã góp phần quan trọng giảm phát sinh các ổ dịch bệnh, khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hạn chế thiệt hại cho sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái...

Hệ thống nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái (hệ thống sử dụng nguyên lý cộng hưởng của NNST): Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp; tại mô hình này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp. Du lịch Phú Thọ bước đầu đã xây dựng, tạo sự gắn kết giữa hai ngành du lịch và nông nghiệp, ngành du lịch Phú Thọ cũng đang tích cực tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh, xây dựng sản phẩm tour du lịch “Về miền Đất Tổ” mang những nét đặc trưng của du lịch Đất Tổ. Trong đó, tập trung giới thiệu với du khách các những loại hình du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề như: Trà Phú Thọ; Bánh chưng - Bánh giầy Đất Tổ; Bưởi Đoan Hùng; Mì gạo Hùng Lô, mì rau củ, thịt chua Thanh Sơn; Tương hoa lúa; Cá thính Phù Ninh; các sản phẩm từ tinh dầu quế Yên Lập… Các sản phẩm này không chỉ được bán tại cơ sở sản xuất mà còn được bán ở siêu thị du lịch OCOP Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mô hình sản xuất hữu cơ: Xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (Nông nghiệp xanh) là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Mặc dù đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ nhưng sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tại Phú Thọ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được phát triển, mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững (diện tích chè được cấp chứng nhận an toàn (RA, VietGAP) 3,67 nghìn ha; diện tích bưởi sản xuất theo hướng an toàn đạt 1,77 nghìn ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững 17,8 nghìn ha), sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái,… [4]

3. Giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Để tạo động lực mới cho NNST tỉnh Phú Thọ phát triển, phương thức sản xuất cần được thay đổi từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô lớn, tập trung trong từng lĩnh vực, từng sản phẩm; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cao; xây dựng kế hoạch sản xuất theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản của địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về vai trò của sản phẩm hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và cả nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận NNHC; Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

- Quy hoạch, xác định các vùng và các sản phẩm hữu cơ, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương như chè trung du búp tím, Rau sắng, Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc trì… Hoặc ưu tiên đơn đặt hàng của các nước có nhu cầu cao về sản phẩm hữu cơ các giống cây con thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Phú Thọ;

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Coi khoa học công nghệ là động lực trực tiếp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; giải pháp về sản xuất theo chuỗi, có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; tiếp xúc thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm ưu tiên nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng) thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài để có thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn...

- Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng.

- Tăng cường đổi mới công tác quản lý Nhà nước; xây dựng chính sách nhằm khuyến khích huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất nguồn nhân lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học; đặc biệt khuyến khích, gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học công nghệ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

- Đổi mới phương thức sản xuất rất cần có sự hợp tác, tổ chức liên kết, sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, đây là một trong những yếu tố quyết định việc nâng cao giá trị, tạo đầu ra cho nông sản bền vững. Vì vậy, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, có sự liên kết giữa các “nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân là rất quan trọng; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trước mắt, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn; tiếp tục đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, tạo quỹ đất lớn liền vùng, liền thửa thuận lợi cho việc canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất…

TS. Nguyễn Đức Chính - Học viện Chính trị khu vực I

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Minh Hoan (2022), Phát triển NNST, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/phat-trien-nong-nghiep-sinh-thai-to-chuc-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri, ngày 28-9-2023.

2. Nguyễn Thị Thu Hà (2012), Phát triển nông nghiệp sinh thái, hướng đi mới đối với sản xuất nông nghiệp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 112(12)/2: 103 - 108.

3. Ngân hàng Thế giới (2016), Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào, Báo cáo Phát triển Việt Nam, NXB Hồng Đức.

4. Nguyễn Minh Tuấn (2022), Phú Thọ - Những thành tựu nổi bật về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, https://consosukien.vn/phu-tho-nhung-thanh-tuu-noi-bat-ve-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-va-xay-dung-nong-thon-moi.htm

5. Hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, https://baophutho.vn/nong-lam-nghiep/huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-va-ben-vung/192137.htm

6. Phú Thọ: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, https://lmhtx.phutho.gov.vn/Chuyen-muc-tin/Chi-tiet-tin/t/phu-tho-thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-an-toan-sinh-hoc/title/36083/ctitle/540292?AspxAutoDetectCookieSupport=1

7. Sử dụng chế phẩm sinh học hướng tới nông nghiệp sinh thái bền vững, https://baophutho.vn/kinh-te/su-dung-che-pham-sinh-hoc-huong-toi-nong-nghiep-sinh-thai-ben-vung/185913.htm

8. Hiệu quả từ mô hình VAC, https://lmhtx.phutho.gov.vn/Chuyen-muc-tin/Chi-tiet-tin/t/hieu-qua-tu-mo-hinh-vac/title/37275/ctitle/543329

Xin chờ trong giây lát...

Cả nước đồng lòng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Phiên bản di động