Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch

18/10/2024 11:03 Tăng trưởng xanh
Trong phát triển nông nghiệp, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) luôn chú trọng tới sản xuất xanh, sạch, an toàn, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Một trong số đó là việc chú trọng triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGap được người dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia.

Hàng năm, Đồng Hỷ luôn xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tới bà con nông dân. Năm 2024, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được đẩy mạnh triển khai, cụ thể như mô hình “Chăn nuôi gà trống thiến an toàn sinh học” tại xóm Tân Đô, xã Hòa Bình. Mô hình chăn nuôi với quy mô 1.500 con gà Ri lai, với 13 hộ tham gia; mô hình thực hiện từ tháng 4 - 10/2024. Tổng kết cho thấy, giống gà trống Ri lai có lông màu đỏ thẫm, mào cờ đỏ tươi, chân và da màu vàng, tỷ lệ nuôi sống qua các giai đoạn đạt từ 90% trở lên; trọng lượng trung bình đạt 2,7kg/con. Hạch toán kinh tế, với 1.500 con nuôi trong thời gian 170 ngày có giá bán 130 nghìn đồng/kg, thu lãi gần 85 triệu đồng.

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch
Mô hình chăn nuôi gà trống thiến tại xóm Tân Đô, xã Hòa Bình

Mô hình “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” thực hiện tại xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, quy mô chăn nuôi 2.600 con gà H’mông với 21 hộ tham gia, được thực hiện từ tháng 7 - 10/2024. Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 70% kinh phí mua gà giống 10 ngày tuổi; hỗ trợ chế phẩm sinh học, hoá chất phun phòng chống dịch bệnh khu vực chuồng trại, bãi chăn thả và được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Tổng kết mô hình cho thấy, giống gà H’mông có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon; giai đoạn gà trên 3 tháng tuổi, tỷ lệ nuôi sống đạt 97%; trọng lượng bình quân đạt 1,45kg/con. Ngoài việc nuôi để lấy thịt, giống gà này còn được nuôi làm cảnh, nuôi để sinh sản; gà nuôi hơn 5 tháng bắt đầu đẻ trứng, mỗi đợt đẻ từ 10-12 quả; lợi nhuận đem lại của mô hình là trên 200 triệu đồng, tương đương trên 7,7 triệu đồng/hộ nuôi 100 con. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân luôn tuân thủ đúng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không để cho mầm bệnh (nếu có) phát tán ra bên ngoài.

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch
Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tại xóm La Đành, xã Hóa Trung

Bên cạnh các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, trồng trọt cũng được Chính quyền và người dân địa phương rất quan tâm, cụ thể như: Vụ mùa năm 2024, mô hình Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng đặc sản theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai tại xóm La Đành và xóm La Vương (xã Hóa Trung).Mô hình được thực hiện trên diện tích trên 22,4ha, với 129 hộ dân tham gia, thời gian từ tháng 6 - 10/2024. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ lúa giống (30.000đ/sào); hỗ trợ 50% phân bón, 50% thuốc BVTV và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh;...Qua theo dõi và đánh giá mô hình, cây sinh trưởng phát triển tốt, bông dài, số hạt chắc cao; cây lúa đẻ khỏe, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ở mức thấp; hiệu quả kinh tế đạt hơn 934 nghìn đồng/sào (cao hơn ruộng ngoài mô hình 236 nghìn đồng/sào); trên cánh đồng chủ yếu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học đảm bảo an toàn với môi trường.

Việc chú trọng đưa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học hoặc tiêu chuẩn VietGap vào phát triển kinh tế của bà con nông dân không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, ý thức về bảo vệ môi trường được nâng lên.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động