Phát triển nền nông nghiệp xanh ở vùng Đồng bằng sông Hồng

13/05/2020 08:09 Nghiên cứu trong nước
Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: diện tích canh tác bị thu hẹp do đô thị hóa, thiếu hụt nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, cạnh tranh thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do vậy, phát triển nông nghiệp xanh vùng ĐBSH cần được xem như là một trong những giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững ở khu vực này. Sự phát triển kinh tế xanh trong ngành nông nghiệp không những góp phần sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Tái chế phế phẩm để hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh

Phát triển nông nghiệp xanh xu hướng phát triển tất yếu

Trong bối cảnh tài nguyên dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế xanh/Tăng trưởng xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn đề trên. Những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Mục tiêu của nông nghiệp xanh là gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người. Với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối, nông nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu ngày nay.

Từ nhận thức ấy, “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp hay phát triển nền nông nghiệp xanh sẽ góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao đời sống cho người dân. Qua đó, giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải… đảm bảo bền vững cho nền kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh. Xây dựng nền nông nghiệp xanh còn tạo điều kiện để phát triển nền văn minh sinh thái, xây dựng nếp sống văn hóa kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên, người với người, người với xã hội theo một chu trình văn minh, giàu tính nhân văn.

phat trien nen nong nghiep xanh o vung dong bang song hong
Vùng trồng cà rốt ở Cẩm Giàng (Hải Dương) rộng trên 500 ha.

Một số mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh ở vùng Đồng bằng sông Hồng

Hiện sản xuất nông nghiệp xanh được nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSH quan tâm thực hiện thông qua một số mô hình. Cụ thể:

Tăng năng suất và hiệu quả nông nghiệp (thu nhập)

Xuất phát từ vị trí địa lý, các tỉnh vùng ĐBSH đã chú trọng phát triển nông nghiệp ven đô để cung cấp sản phẩm cho Thủ đô và các vùng đô thị lân cận, nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng hoa, rau màu, cây ăn quả và các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao (Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên,…); nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đã tạo được thương hiệu, uy tín đối với thị trường trong nước và quốc tế, như: nhãn lồng Hưng Yên, cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai (Hà Nội), dứa (Ninh Bình), hành, tỏi (Hải Dương, Hà Nam),...

Hầu hết các tỉnh vùng ĐBSH (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình,…) đi đầu cả nước trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: vùng trồng cà rốt ở Gia Bình rộng 700 ha và vùng trồng khoai tây ở Quế Võ rộng gần 1.500 ha (Bắc Ninh); vùng trồng cà rốt ở Cẩm Giàng (Hải Dương) rộng trên 500 ha, vùng trồng hành, tỏi tại Kinh Môn (Hải Dương) rộng trên 3.000 ha; vùng trồng hoa, cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) rộng trên 250 ha,…

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trên những “bờ xôi ruộng mật” chuyên trồng lúa trước đây ở các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh… đã hình thành các cánh đồng ứng dụng công nghệ cao, cho ra đời những sản phẩm sạch, chất lượng cao, tạo doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, hộ dân chủ động nghiên cứu, áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi cá bằng phương pháp sống trong ao tại Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên; mô hình trồng rau theo công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại nhiều tỉnh; mô hình lúa – rươi ở Quảng Ninh; mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở Bắc Ninh; mô hình nuôi tôm trong bể tại Nam Định,… mô hình trồng các giống dưa thơm Kim hoàng hậu, Kim Cô Lương, Kim Vương nhập khẩu được sản xuất trong nhà lưới, nhà màn quy mô nông hộ, trồng trên giá thể; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động của Israel; áp dụng công thức dinh dưỡng thủy canh, cung cấp theo nhu cầu của cây trồng; quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Những mô hình này cho năng suất đạt 45 – 50 tấn/ha, giá bán 18.000 – 20.000 đồng/kg, cho doanh thu từ 810 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Những mô hình này đang được mở rộng và phát triển tốt tại Hải Dương, Hải Phòng... bởi quy mô nông hộ, dễ áp dụng, khả năng thành công và hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao sử dụng giống Dưa chuột lai CV 209 và Hazera – 55003 nhập khẩu. Sản xuất trong nhà lưới, nhà màn thiết kế cấu trúc công nghệ nhà lưới quy mô nông hộ. Canh tác trong điều kiện nhà màn, nhà lưới; trồng trên giá thể; Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón (phối trộn) phân tự động của Israel; Sử dụng công thức dinh dưỡng thủy canh, cung cấp theo nhu cầu của cây trồng; Quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Năng suất đạt 99 - 120 tấn/ha, giá bán 10 - 12 nghìn đồng/kg cho thu nhập 990 triệu đồng đến 1,44 tỷ đồng/ha; Lãi thuần thu được 360 - 810 triệu đồng/ha,tương đương trình độ của Trung Quốc. Mô hình đang được mở rộng và phát triển tốt tại Hải Dương, Hải Phòng...do dễ áp dụng, thành công và cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình sản xuất cà chua quả nhỏ Kim Ngọc và Gafnit 36360 nhập khẩu, sản xuất trong nhà lưới, nhà màn thiết kế cấu trúc công nghệ nhà lưới quy mô nông hộ. Canh tác trong điều kiện nhà màn, nhà lưới; trồng trên giá thể; Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón (phối trộn) phân tự động của Israel; Sử dụng công thức dinh dưỡng thủy canh, cung cấp theo nhu cầu của cây trồng; Quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Năng suất đạt 45 - 47 tấn/ha, giá bán 20 - 25 nghìn đồng/kg. Tổng thu nhập 900 triệu đồng đến 1,175 tỷ đồng/ha; Lãi thuần thu được 278 - 533 triệu đồng/ha, tương đương trình độ của Trung Quốc. Mô hình đang được mở rộng và phát triển tốttại Hải Dương, Hải Phòng ... cho hiệu quả kinh tế cao.

Thích nghi và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu

ĐBSH là vùng kinh tế năng động nhưng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) trong đó có nông nghiệp… Nếu không có giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu những tác hại thì hậu quả rất khó lường: Lũ lụt và nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác, khoảng 11% diện tích ĐBSH sẽ bị ngập gây ảnh hưởng tới hàng triệu hộ dân; tình trạng xâm nhập mặn cũng làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm; nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Cụ thể là năng suất lúa của vụ Xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ Đông có xu hướng tăng ở ĐBSH.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của BĐKH, những năm gần đây các cơn bão có diễn biến khá bất thường, gia tăng cả về số lượng và cường độ bão, đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những cơn “siêu bão” gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân đánh bắt trên biển, tàn phá các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê điều, gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, cây trái và mùa màng tại vùng ĐBSH.

Từ năm 2008 và đặc biệt sau khi Chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, các bộ, ngành liên quan và địa phương vùng ĐBSH đã triển khai những biện pháp bảo vệ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Theo đó, nhiều chương trình, dự án như giảm phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, xây dựng hệ thống chống ngập, chống nước biển dâng... Hải Phòng đã phê duyệt danh mục 18 chương trình, dự án ưu tiên nhằm tăng cường khả năng phòng chống và ứng phó với BĐKH nhưng các dự án này vẫn đang nằm trên "giấy", hoặc triển khai rất ì ạch do thiếu vốn. Tại tỉnh Ninh Bình, từ năm 2001 đến nay, hạn hán ở các huyện miền núi và xâm nhập mặn ở Kim Sơn ngày càng nghiêm trọng. Cách đây vài năm, Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó đề xuất dự án ưu tiên đầu tư, tuy nhiên kết quả triển khai vẫn là "ba chưa": Chưa có đề án, dự án nào được triển khai; chưa xây dựng được đội ngũ tuyên truyền viên về BĐKH; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về vùng biển… Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại như: Nhận thức của địa phương về BĐKH yếu kém; thiếu quy hoạch quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên nước; chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về mô hình thích nghi ứng phó về BĐKH vùng ĐBSH; nguồn lực tài chính đầu tư cho các chương trình, dự án thích nghi, ứng phó hạn chế...

phat trien nen nong nghiep xanh o vung dong bang song hong
Làm giàu từ bưởi Diễn.

Giảm phát thải các khí nhà kính

Nguyên nhân chính của BĐKH là do phát thải khí nhà kính (KNK), Có nhiều ngành sản xuất tham gia vào phát thải KNK. Tại các nước phát triển thì KNK chủ yếu từ ngành công nghiệp và năng lượng, còn tại các nước đang phát triển, nhất là các nước trồng lúa thì KNK chủ yếu xuất phát từ nông nghiệp. Tại Việt Nam, nông nghiệp đóng góp 43,1% tổng phát thải KNK. Có 5 nguồn sinh ra phát thải nhà kính từ sản xuất nông nghiệp, gồm: Tiêu hóa thức ăn dạ cỏ của vật nuôi nhai lại; Phân của gia súc khi phân hủy ở trạng thái yếm khí thải ra cả mê tan, oxit nitơ; Canh tác lúa nước; Khi ruộng ngập nước ở chế độ yếm khí cũng phân giải chất hữu cơ thải ra khí mê tan; Đất nông nghiệp khi bón phân đạm bị chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác cũng phát thải khí nitơ; Đốt nương làm rẫy và đốt rơm rạ cũng phát thải khí nhà kính.

Tại ĐBSH đã có địa phương thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính điển hình là dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP)” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp kéo dài 4 năm, trị giá 8 triệu USD, hoạt động theo cơ chế thưởng bằng tiền dựa trên kết quả, nhằm thử nghiệm và nhân rộng các gói công nghệ, công cụ và cách tiếp cận mới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng năng suất trong canh tác lúa. Dự án "sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults" được xây dựng chia làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí 122 triệu đô la Mỹ. Kết quả của dự án nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng trên 75.000 nông hộ khu vực Đồng bằng Sông Hồng, giảm 375.000 tấn CO2 tương đương, giảm 15% chi phí cho các hộ nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào và cuối cùng là đề xuất các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng những biện pháp như dùng phân vi sinh, sử dụng công nghệ hiện đại, không đốt rơm v.v.

Giai đoạn 1 của dự án gồm hai vụ thử nghiệm: vụ mùa năm 2017 và vụ xuân năm 2018. Những công nghệ hoặc phương pháp canh tác lúa được kiểm chứng và đã có 9 đơn vị đã thành công trong việc tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính và sẽ nhận được giải thưởng dựa trên tỷ lệ tương ứng với kết quả của họ trong tổng số tiền trao thưởng là 55.000 USD cho vụ thử nghiệm đầu tiên. Kết quả cho thấy, 9 gói công nghệ có tỷ lệ tăng năng suất trung bình là 26% và tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính trung bình là 12,5% so với dữ liệu cơ sở ban đầu.

Nông nghiệp hữu cơ

Chuyển đổi từ nền nông nghiệp sử dụng hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm tiêu dùng sạch, dinh dưỡng tốt, thân thiện với môi trường. Tại vùng ĐBSH một số tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình sản xuất NNHC, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: Mô hình sản xuất rau, củ quả theo hướng hữu cơ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, xã Đông Tiến (Đông Sơn – Thanh Hóa) có diện tích 3,2 ha, trồng các loại rau cải, dền, muống, mồng tơi, cà chua, dưa lê, dưa chuột bao tử, dưa Kim Hoàng hậu... Mỗi luống cây trồng đều được gắn bảng thông tin về quá trình sinh trưởng, như: Ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày dự kiến thu hoạch...; Mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, diện tích 283 ha trên địa bàn thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) cũng là một trong số ít những mô hình sản xuất NNHC mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao; Mô hình rau hữu cơ tại xã Trác Văn (huyện Duy Tiên) đã và đang tạo ra được giá trị lớn và sự tin tưởng của người tiêu dùng, nhãn hiệu sản phẩm đã được định vị trong chuỗi liên kết tiêu dùng. Hiện nay xã Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải…Sau gần 05 năm phát triển từ diện tích thí điểm ban đầu, đến nay Hợp tác xã nông nghiệp Trác Văn đã xây dựng và mở rộng diện tích lên 05 ha rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn PGS. Mỗi tháng, tổ Hợp tác xã nông nghiệp Trác Văn xuất ra thị trường 2,5 - 3 tấn rau hữu cơ các loại. So với trồng ngô, trồng lạc… thì hiệu quả kinh tế cao gấp 7 - 8 lần. Đồng thời, thị trường tiêu thụ cũng ổn định, thương hiệu rau hữu cơ Trác Văn được nhiều người biết đến.

Về chăn nuôi, các hộ dân xã Cộng Hòa của tỉnh Hải Dương nuôi lợn thịt thu nhập bình quân mỗi hộ 70 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, họ còn xây hầm biogas tận dụng nguồn phân làm chất đốt nên không gây ô nhiễm môi trường, chất thải sau khi hóa khí được bón cho cây trồng giúp giảm chi phí đầu tư, vừa hạn chế được đáng kể lượng phân bón hóa học.

Ở Hà Nội, Công ty cổ phần trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn), một trong những đơn vị tiên phong thực hiện nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM-Effective) của Nhật Bản. Chương trình có quy mô chăn nuôi thường xuyên 250 lợn nái sinh sản và 3.000 lợn thương phẩm chăn nuôi sinh học; chuỗi khép kín và toàn bộ sản phẩm là thịt cấp đông được bán tại 88 cửa hàng tiện ích trên cả nước. Ðến nay các sản phẩm đã có hệ thống mã vạch để nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; sản lượng của chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu đạt 1.200 kg/ngày.

Vùng ĐBSH, tuy đã manh nha một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, song diện tích chưa lớn, để hướng đến một nền sản xuất NNHC còn là vấn đề hết sức khó khăn. Trở ngại đầu tiên khi phát triển sản xuất NNHC trên vùng ĐBSH chính là thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất của nông dân. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, việc sản xuất NNHC trong quá trình canh tác, các khâu như nước, giống, các vật tư nông nghiệp sử dụng phải được tổ chức uy tín công nhận.

Đồng thời, chi phí cho sản xuất NNHC cao gấp 5-6 lần so với các phương pháp thông thường, sản lượng không cao, nhưng giá cả lại chưa tương xứng do phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng khác trên thị trường. Bởi, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch nhưng chưa chú trọng và phân biệt rõ thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với các tiêu chuẩn khác...

Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh vùng ĐBSH

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh vùng ĐBSH cần thực hiện đồng bộ từ nhiều giải pháp như truyền thông, chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường...Cụ thể:

- Cần tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình thực địa để nâng cao nhận thức sâu sắc hơn trong các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị và nông dân về nông nghiệp xanh. Trước tiên nhằm phải thay đổi nhận thức từ các cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tới từng người dân. Các cơ quan chức năng, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để truyền tải thông điệp cảnh báo đến người dân về những biểu hiện suy thoái về môi trường, suy kiệt về tài nguyên do cách thức sản xuất nông nghiệp không an toàn, không bền vững bấy lâu nay, đó là những nguy cơ cho đất nước và cho chính bản thân họ.

- Tăng cường các biện pháp quản lý, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường khả năng dự trữ, hấp thụ carbon trong các bể chứa hệ sinh thái; tránh phát thải bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học từ cây trồng và phụ phẩm nông nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Đối với giảm phát thải nhà kính trong lĩnh vực sản xuất lúa nước, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư hạ tầng nông nghiệp theo hướng lồng ghép kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính…

- Tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế cho các khu vực kinh tế xanh (hiện nay ưu tiên của các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc và nguồn vốn ODA của các nước phát triển đang có sự chuyển dịch vào lĩnh vực này).

- Cần tổng kết mức độ đầu tư cho phát triển kinh tế xanh thời gian qua, từ đó rút ra kinh nghiệm và để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như tính toán của Chương trình môi trường Liên hợp quốc. Hạn chế sử dụng thuốc hóa học, phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích và hướng tới sử dụng các sản phẩm trên có nguồn gốc tự nhiên, sinh học nhằm hạn chế tồn dư chất hóa học trong sản phẩm và làm thoái hóa đất.

- Về khoa học và công nghệ, các giải pháp nên tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân thông qua mạng lưới khuyến nông nhằm làm thay đổi thói quen sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống, không theo chuỗi giá trị, nên không kiểm soát được chất lượng, cũng như không truy xuất được. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sản xuất tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ngoài ra, bản thân người nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động tự tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

- Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội như Hội Nông dân và Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam trong khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh và nhân rộng các điển hình, cũng như thúc đẩy việc liên kết nông dân -doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ các sản phẩm. Cần xây dựng được mối liên kết giữa người nông dân với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, các công ty, doanh nghiệp để triển khai, trình diễn, thử nghiệm đưa vào sản xuất, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 trong nông nghiệp. Nhà nước cần thực hiện đặt hàng nghiên cứu, tổ chức chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu theo công nghệ 4.0.

TS. Nguyễn Đức Chính - Học viện Chính trị khu vực I
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động