Phú Yên: Chấn chỉnh các hoạt động chăn nuôi có tác động xấu đến môi trường

20/08/2024 08:00 Phát triển Công nghiệp môi trường
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung là một chủ trương đúng nhằm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo chuỗi thị trường. Tuy nhiên, chăn nuôi không đảm bảo quy trình đã và đang tạo ra những tác động cho môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trân tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên do ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về tác động, ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi tập trung đối với môi trường sống của người dân tại các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân.

Phú Yên: Chấn chỉnh các hoạt động chăn nuôi có tác động xấu đến môi trường
Đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trân tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên làm việc với các địa phương về những tác động, ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi tập trung đối với môi trường sống của người dân

Tại chương trình làm việc, đoàn giám sát đã làm rõ việc thực hiện quy trình cấp phép hoạt động, phân cấp quản lý đối với lĩnh vực chăn nuôi; việc ban hành các quy định, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải rắn theo thẩm quyền; các nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi; việc xử lý đối với cơ sở, trang trại chăn nuôi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; việc khắc phục, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân xung quanh cơ sở, trang trại chăn nuôi…

Từ kết quả giám sát, để tránh những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị chính quyền các địa phương cần rà soát lại tất cả các trang trại chăn nuôi hiện có để bảo đảm phát triển theo đúng quy hoạch và khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo đoàn giám sát Ủy ban Mặt trân tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, các địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước. Và chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, để tránh tình trạng ô nhiễm kéo dài khiến người dân phản ánh nhiều lần mà không giải quyết. Địa phương cần thiết lập kênh thông tin, tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến các vấn đề về môi trường để kịp thời giám sát những cơ sở chăn nuôi thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra đoàn giám sát cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.

Phú Yên: Chấn chỉnh các hoạt động chăn nuôi có tác động xấu đến môi trường
Khu xử lý nước thải của một trang trại chăn nuôi ở huyện Sơn Hòa

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên, Trưởng đoàn giám sát, hiện công tác quản lý nhà nước trong hoạt động chăn nuôi tập trung, nhỏ lẻ ở các địa phương vẫn chưa chặt chẽ, còn ảnh hưởng đến môi trường, nhất là môi trường sống của người dân gần khu vực các trang trại. Để tránh những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các cơ sở chăn nuôi, hạn chế thấp nhất các tác động môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Được biết, trước khi tổ chức đoàn giám sát, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên đã tiến hành khảo sát thực địa, gặp gỡ người dân sinh sống xung quanh các trang trại chăn nuôi trên địa bàn 3 huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân.

Cụ thể, tại huyện Sơn Hòa có 10 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có 8 trang trại chăn nuôi heo, 1 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao và 1 trại gà. Trong số các trang trại này còn nhiều trang trại chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nhiều trang trại đã bị xử lý vi phạm, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tại huyện Phú Hòa, có 3 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn gồm 2 trang trại chăn nuôi gà quy mô 40.000-60.000 con và 1 trang trại nuôi heo quy mô 2.400 con. Các cơ sở chăn nuôi có báo cáo tác động môi trường và áp dụng các biện pháp xử lý nước thải, chất thải hạn chế tác động môi trường. Tuy nhiên, khu vực xung quanh các trang trại chăn nuôi này vẫn xuất hiện mùi hôi, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Riêng trên địa bàn huyện Đồng Xuân hiện có đến 27 cơ sở chăn nuôi heo và 2 cơ sở chăn nuôi gà phân bố tại các xã Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3… hệ thống chuồng trại ở đây hầu hết chưa đảm bảo các tiêu chuẩn nuôi cũng như tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại lại nằm xen lẫn trong các khu dân cư nên môi trường sống của người dân gần các khu vực chăn nuôi heo bị ô nhiễm nặng.

Trình Giang

Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động