Phục hồi môi trường bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật

10/06/2019 15:21 Tác động môi trường
Ngày 07/6, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức hội thảo về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại khu vực bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg và Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phục hồi môi trường bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật

TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chủ trì hội thảo.


Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ các Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở Kế hoạch - Đầu tư của các tỉnh có khu vực bị ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu; các chuyên gia, nhà khoa học liên quan; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị của Tổng cục Môi trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Trong những năm qua, nước ta đã có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phát triển kinh tế -xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, cùng với đó, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan tới chất lượng môi trường do ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí; tình trạng phá rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu gây ra.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cũng đã xây dựng các hướng dẫn, triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm thúc đẩy hoạt động xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hoá chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước.
Báo cáo tại hội thảo, ông Hoàng Thành Vĩnh, Vụ Quản lý chất lượng môi trường - Tổng cục Môi trường cho biết: Thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật và tăng cường năng lực, Bộ TNMT đã ban hành Quy chuẩn số 54:2013/BTNMT về ngưỡng xử lý hoá chất BVTV, xây dựng Bộ hướng dẫn kỹ thuật về quản lý ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu, triển khai các khoá tập huấn, ban hành Thông tư 30/2016/TT-BTNMT hướng dẫn quản lý cải tạo và phục hồi môi trường khu vực ô nhiễm tồn lưu.
Việc thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu được triển khai tập trung. Đến 2015, đã xử lý được 64 điểm ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu; trong giai đoạn 2016-2018, đã xử lý được 13 điểm ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu; 14/15 nhiệm vụ ưu tiên tại Phụ lục 1 của Quyết định 1946 được triển khai thực hiện, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành; đã xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được gần 80 điểm ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nguồn lực cho công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được tăng lên qua các năm. Các địa phương đã bắt đầu tiếp cận và nắm bắt công tác quản lý bền vững khu vực ô nhiễm thay vì tập trung xử lý. Nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu đã được tăng lên rõ rệt.


Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận về tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện điều tra, đánh giá, lập phương án, dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu; kết quả xử lý các điểm ô nhiễm còn thấp so với kế hoạch đề ra; các vấn đề liên quan đến quy chuẩn, công nghệ, quy trình tổ chức và thực hiện các dự án xử lý theo Quyết định số 1946/QĐ-TT, Quyết định số 807/QĐ-TTg; làm rõ được về trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu theo Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cuối buổi hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, là cơ sở để Tổng cục tiếp tục xem xét, tiếp thu nhằm nâng cao công tác xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV và hoàn thiện Thông tư hướng dẫn Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về vấn đề này. Ngoài ra, Tổng cục trưởng cũng đề nghị các địa phương cần nhanh chóng phê duyệt các phương án xử lý và thúc đẩy triển khai thực hiện các biện pháp xử lý các điểm ô nhiễm tồn lưu thuốc BVTV tại địa phương.
VEA
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động