Quảng Bình: Những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường

27/04/2022 13:57 Địa phương
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh và đạt nhiều kết quả đáng nghi nhận. Qua đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên. Môi trường ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng về môi trường được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; chính sách phát triển doanh nghiệp Công nghiệp môi trường, hình thành khu xử lý chất thải tập trung tại các địa phương; khuyến khích chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường; sửa đổi đơn giá dịch vụ môi trường thu gom chất thải sinh hoạt; lồng ghép nội dung phát triển ngành công nghiệp môi trường vào các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kêu gọi đầu tư phát triển một số doanh nghiệp dịch vụ môi trường để thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp; thực hiện công tác phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của địa phương.

Quảng Bình: Những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường
Ảnh minh hoạ

Tỉnh cũng từng bước đầu tư hệ thống thu gom nước thải tại các thành phố, khu đô thị đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Tại thành phố Đồng Hới đã được đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt và Trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại Đức Ninh do Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình quản lý, vận hành, với công suất thiết kế xử lý 10.000 m3/ngày đêm vào năm 2020, công suất hiện tại đạt khoảng 7.600 m3/ngày đêm (đạt 76% công suất thiết kế). Tại thị xã Ba Đồn, hiện nay đang từng bước triển khai xây dựng mạng lưới thu gom xử lý nước thải tại các phường Ba Đồn, Quảng Thọ, Quảng Long, Quảng Thuận và xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung theo Dự án “Thoát nước, vệ sinh môi trường Đô thị Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình” với diện tích 5,8 ha; giai đoạn 1, Dự án đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải với diện tích 4,2 ha tại phường Quảng Thuận; công suất xử lý theo thiết kế là 3.000 m3/ngày đêm.

Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp (KCN). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 04 KCN được thành lập đi vào hoạt động, gồm KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La (thuộc KKT Hòn La), KCN Tây Bắc Quán Hàu. Ngoài ra, còn 04 KCN đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết như KCN Hòn La II, KCN Cam Liên, KCN Bang, KCN cửa ngõ phía Tây KKT Hòn La. Hoạt động sản xuất tại các KCN chủ yếu là loại hình sản xuất công nghiệp khô, ít phát sinh nước thải trong quá trình sản xuất. Tất cả các cơ sở sản xuất trong KCN có phát sinh nước thải đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Riêng KCN Cảng biển Hòn La đã được tỉnh đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất giai đoạn 1 là 500 m3/ngày đêm.

Đối với hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị tập trung tại các khu đô thị, theo số liệu thống kê năm 2020, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 491,33 tấn/ngày. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch với công suất xử lý rác 245 tấn/ngày, đã đi vào vận hành thử nghiệm dây chuyền phân loại rác phục vụ xử lý rác thải sinh hoạt cho địa bàn thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch và xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn). Ngoài ra, Công ty TNHH Môi trường xanh miền Trung cũng đang tiến hành thi công xây dựng dự án “Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn” tại 02 xã Quảng Tiến và Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch) với công suất xử lý 200 tấn/ngày. Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình đảm nhiệm công tác thu gom, xử lý, vận hành bãi xử lý rác thải chung tại thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch; tại thị xã Ba Đồn và các huyện, thị trấn do Ban quản lý các công trình công cộng của huyện, thị xã đảm nhiệm công tác thu gom, vận chuyển đi xử lý.

Về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, hàng năm, tổng lượng rác thải công nghiệp thông thường phát sinh tại các KCN trên địa bàn tỉnh khoảng trên 1.400 tấn/năm. Chất thải rắn công nghiệp thông thường được các cơ sở sản xuất thu gom, hợp đồng vận chuyển xử lý đảm bảo theo đúng quy định. Riêng đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể tái chế, tái sử dụng (chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản) được các cơ sở thu gom tận dụng triệt để nhằm hạn chế đổ thải ra môi trường. Riêng đối với lượng chất thải nguy hại phát sinh trong lĩnh vực y tế hàng năm khoảng 75.000 kg đã được các bệnh viện tự thu gom, xử lý bằng phương pháp lò đốt. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cũng đã hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải ngoài tỉnh để vận chuyển xử lý. Hiện nay, các bệnh viện đều được đầu tư thiết bị xử lý chất thải rắn y tế theo công nghệ hấp ướt và đang trong giai đoạn vận hành thử.

Mặc dù, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cao. Nguyên nhân do ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn thấp; sự vào cuộc của chính quyền cơ sở nhiều nơi không thực sự quyết liệt, chưa thực hiện tốt các quy định của tỉnh trong việc quản lý chất thải rắn tại địa phương, còn thụ động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa bàn. Bên cạnh đó, chi ngân sách cho việc thực hiện quản lý chất thải rắn ở khu vực công ích còn hạn chế, huy động nguồn lực xã hội hóa ở nhiều địa phương chưa hiệu quả, nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế phát sinh ở một số địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường; triển khai các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp doanh nghiệp hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường; chú trọng kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo, dụng cụ, thiết bị bảo vệ môi trường… tại các khu kinh tế, KCN của tỉnh theo quy hoạch; ứng dụng có hiệu quả công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; đồng thời phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm...

Thu Hương
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động