Quảng Ninh: Kiểm soát tốt nguy cơ ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp

16/06/2023 15:24 Địa phương
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản hoạt động, bên cạnh đó còn có một số đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện.

Trên toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) có dự án thứ cấp hoạt động; 5 cụm công nghiệp (CCN) cũng đã đi vào khai thác, hoạt động. Bởi vậy, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan.

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn hiện hữu. Để kiểm soát tốt những vấn đề về môi trường, hạn chế tối đa những tác động có thể xảy ra khi có sự cố về môi trường trong sản xuất công nghiệp, nhiều năm trở lại đây UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các nội dung đã cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như: Chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, xử lý nước thải, khí thải, lắp đặt và vận hành liên tục hệ thống quan trắc môi trường tự động, thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định…

Cùng với đó thực hiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu – cụm công nghiệp trên địa bàn, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các sở, ngành đã xây dựng các quy chế phối hợp, xác định rõ trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý các tin báo, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về phía các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới công nghệ khai thác, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Ngành than đã xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung; đầu tư hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường.

Tại các nhà máy tuyển than đều lắp đặt các máy phun sương dập bụi cao áp. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến than cũng đầu tư các xe tưới đường mỏ chuyên dùng công suất lớn nâng cao hiệu quả chống bụi tại khu vực khai trường, bãi thải, đường vận chuyển, kho bãi chứa than, kho cảng...cùng với đó việc đầu tư lắp đặt và đưa vào khai thác tuyến băng tải từ Nhà máy tuyển than đến các lò sản xuất hay ra Cảng km6 đã có những tác động tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm bụi, va môi trường nói chung trong việc vận chuyển than.

Quảng Ninh: Kiểm soát tốt nguy cơ ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp
Tuyến băng tải chạy qua đường lò Tuynen Tây Khe Sim, qua Quốc Lộ 18A rồi vươn ra Cảng km6, công trình góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường của ngành than. ( ảnh- Dương Phượng Đại)

Đồng thời, các doanh nghiệp này còn thực hiện lộ trình cải tạo phục hồi môi trường cho các khu vực khai trường, bãi thải cũ đã ngừng hoạt động; thực hiện thay đổi công nghệ đổ thải, có đê chắn chân bãi thải để bảo vệ khu dân cư và các công trình hạ tầng xung quanh; có công trình thu gom nước chảy tràn bề mặt đưa về khu vực xử lý…

Các đơn vị có hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện việc lắp đặt nhà khung kín tại bộ phận sàng, bộ phận nghiền; lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi nhằm giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường.

Với các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện thì đầu tư lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở các vị trí thuận lợi để cơ quan quản lý và người dân dễ dàng giám sát. Một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, đầu tư hệ thống xử lý khí bụi. Một số đơn vị sản xuất xi măng còn nghiên cứu, thử nghiệm xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại nhà máy; tận dụng tro, xỉ thải nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung... Điều này đã góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên trên địa bàn.

Trong 6 KCN có dự án thứ cấp hoạt động và 5 CCN đã hoạt động thì 6 KCN và 4 CCN đã có trạm xử lý nước thải tập trung. Đối với CCN Kim Sen chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên các nhà đầu tư thứ cấp đã có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. 100% các dự án hạ tầng KCN bố trí hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với thu gom, thoát nước thải… Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý theo quy định hiện hành.

Quảng Ninh: Kiểm soát tốt nguy cơ ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp
Lãnh đạo Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh giám sát các thông số quan trắc môi trường tại phòng vận hành trung tâm của Nhà máy xi măng Lam Thạch 2. Ảnh: Hoàng Nga

Theo số liệu tổng hợp của 288 đơn vị là chủ nguồn thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, khối lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh năm 2022 là 8.924,206 tấn (không bao gồm chất thải y tế). 100% tổng số lượng chất thải nguy hại đã được thu gom, lưu giữ theo quy định và được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý CTNH để xử lý, trong đó khối lượng CTNH được xử lý là 8.576,681 tấn, đạt 96,1%; khối lượng lưu kho 347,075 tấn đạt 3,9%.

Từ khi nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Môi trường – TKV gồm 04 hệ thống với công suất: Lò đốt chất thải FB-500R: Công suất thiết kế 500kg/giờ; Hệ thống tái chế dầu thải: Công suất thiết kế 8.500 kg/ngày; Hệ thống xử lý ắc quy thải: Công suất thiết kế 1.000kg/ngày; Hệ thống xử lý, tái chế thùng phuy: Công suất thiết kế 1.500kg/ngày đi vào hoạt động đã góp phần tích cực trong việc xử lý chất thải nguy hại vốn là vấn đề bức thiết trong công tác xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, cơ bản các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đều đã thực hiện lắp đặt, vận hành và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Toàn tỉnh hiện có 47 trạm quan trắc môi trường giám sát hoạt động xả khí thải và 87 trạm quan trắc môi trường giám sát nước thải.

Sự nỗ lực của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cùng với việc nhận thức về bảo vệ môi trường mới phương trâm “ Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” của các doanh nghiệp đã góp phần giúp môi trường trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng chuyển biến tích cực hơn./.

Trần Quang Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động