Quy định về đánh giá sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải của sông hồ

04/10/2019 14:57 Quản lý nguồn thải
Thông số để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ gồm có COD, BOD5, amoni, nitrat, photphat… Ngoài ra, còn phải căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, mục đích sử dụng nước, quy mô, tính chất nước thải, yêu cầu bảo vệ nguồn nước...
Đặc trưng của nguồn gây ô nhiễm nước các lưu vực sông theo vùng kinh tế Nước sông ô nhiễm, hơn 4.000 hộ dân ở Hà Tĩnh thiếu nước sạch Giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Cầu

Ngày 29/12/2017, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT quy định về đánh giá sức chịu tải, khả năng tiếp nhận nước thải của sông hồ, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay. Thông tư số 76 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018 và thay thế Thông tư số 02/2009/TT-BTNMT ngày 19/3/2009 quy định việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước.

quy dinh ve danh gia suc chiu tai kha nang tiep nhan nuoc thai cua song ho
Ảnh minh họa

​Sự cần thiết ban hành Thông tư số 76: Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012 có quy định về xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là một trong các hoạt động điều tra cơ bản (Điều 12) và Bộ TN&MT có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước (Điều 13). Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 cũng quy định về điều tra, đánh giá sức chịu tải của sông; công bố các đoạn sông, dòng sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải là một trong các nội dung kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông (Điều 53).

Mặt khác, Thông tư số 02/2009/TT-BTNMT ngày 19/3/2009 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định, việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước được xây dựng ban hành căn cứ theo Luật Tài nguyên nước năm 1998. Thực tế hiện nay, những quy định của Thông tư số 02 là chưa đủ cơ sở để quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012. Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của số Thông tư 02 cho phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như tình hình thực tế là cần thiết. Việc ban hành Thông tư số 76 đã đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay.

Một số quy định của Thông tư số 76: Việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ phải đảm bảo các nguyên tắc tính hệ thống theo lưu vực sông, nguồn nước. Đối với nguồn nước là sông, suối, kênh, rạch (sông), khi thực hiện đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải phải được phân thành từng đoạn sông để đánh giá. Việc phân đoạn sông, xác định mục đích sử dụng nước, lựa chọn lưu lượng dòng chảy, lựa chọn thông số chất lượng nước mặt, thông số ô nhiễm của các nguồn nước thải để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải đối với từng đoạn sông phải bảo đảm tính hệ thống theo từng sông, hệ thống sông. Việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ phải được thực hiện đối với từng thông số ô nhiễm. Việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ phải dựa trên đặc điểm mục đích sử dụng, khả năng tự làm sạch của nguồn nước, quy mô và tính chất của các nguồn nước thải hiện tại và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các nguồn nước phải đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước, gồm: Các sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh, nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; các hồ thuộc danh mục nguồn nước liên tỉnh, nội tỉnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Các nguồn nước không thuộc trường hợp quy định trên, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải xem xét, quyết định việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải trên cơ sở mức độ quan trọng của nguồn nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị văn hóa có liên quan đến nguồn nước.

Việc phân đoạn sông để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông được thực hiện trên cơ sở các căn cứ: Vị trí nhập lưu, phân lưu trên sông; chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước của sông; vị trí các công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải; vị trí công trình hồ chứa, công trình điều tiết nước trên sông; chiều dài xâm nhập mặn lớn nhất ứng với độ mặn 4,0‰ đối với các đoạn sông bị ảnh hưởng của thủy triều; yêu cầu về bảo tồn, phát triển hệ sinh thái thủy sinh, giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng có liên quan đến nguồn nước; đối với các sông liên quốc gia, liên tỉnh, ngoài việc căn cứ quy định nêu trên, còn phải căn cứ vào đường biên giới quốc gia, địa giới hành chính cấp tỉnh.

Phương pháp đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông

Phương pháp đánh giá trực tiếp: Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông được thực hiện trên cơ sở giới hạn tối đa của từng thông số, đánh giá theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt, lưu lượng và kết quả phân tích chất lượng nguồn nước của đoạn sông. Phương pháp đánh giá trực tiếp được áp dụng đối với đoạn sông sau khi điều tra mà không có nguồn nước thải xả trực tiếp vào đoạn sông đó.

Phương pháp đánh giá gián tiếp: Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông được thực hiện trên cơ sở giới hạn tối đa của từng thông số đánh giá theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt, lưu lượng, kết quả phân tích chất lượng nguồn nước sông, lưu lượng và kết quả phân tích của các nguồn nước thải xả vào đoạn sông.

Phương pháp đánh giá bằng mô hình: Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông được thực hiện trên cơ sở giới hạn tối đa của từng thông số đánh giá theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt, lưu lượng và kết quả phân tích chất lượng nguồn nước sông, lưu lượng và kết quả phân tích của các nguồn nước thải xả vào đoạn sông và quá trình gia nhập dòng chảy, biến đổi của các chất gây ô nhiễm.

Thông số để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ gồm có COD, BOD5, amoni, nitrat, photphat… Ngoài ra còn phải căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, mục đích sử dụng nước, quy mô, tính chất nước thải, yêu cầu bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường đối với từng đoạn sông, hồ thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải xem xét, quyết định cụ thể các thông số khác để đánh giá cho phù hợp.

Bộ TN&MT chịu trách nhiệm phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường tham mưu, giúp Bộ TN&MT tổ chức điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu thải của các sông hồ là nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia, lấy ý kiến của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan về kết quả đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của các sông, hồ; tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ TN&MT xem xét quyết định phê duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu thải của các sông hồ là nguồn nước nội tỉnh. Theo đó, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận, sức chịu tải của các sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh, lấy ý kiến các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan về kết quả đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ; tổng hợp ý kiến, gửi Bộ TN&MT cho ý kiến; hoàn thiện hồ sơ, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt.

Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, điều này được chứng minh từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn quản lý của Việt Nam. Việc ban hành Thông tư số 76 là một yêu cầu cấp thiết và đáp ứng với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tăng cường các biện pháp giám sát và thực thi nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng không tuân thủ các quy định trong việc xả nước thải ra các sông, hồ gây ô nhiễm môi trường.

Theo TCMT
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động