Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chất thải

27/12/2019 12:25 Quản lý nguồn thải
Quản lý chất thải là một trong các nội dung bảo vệ môi trường (BVMT) quan trọng, đã được quy định trong Luật BVMT 2014, tuy nhiên, chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nhất là đối với chất thải rắn sinh hoạt. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
sua doi bo sung cac quy dinh ve quan ly chat thai

Đối với chất thải rắn sinh hoạt: thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chất thải, gồm các nội dung chính sau:

Xem chất thải là tài nguyên: chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; quy định trách nhiệm của các bộ trong hợp chuẩn hợp quy việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất. Quy định rõ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Đối với chất thải nguy hại: chuyển chất thải phóng xạ sang phạm vi quản lý của Luật Năng lượng nguyên tử; lồng ghép việc khai báo, đăng ký chủ nguồn thải trong nội dung giấy phép môi trường; không cấp phép phương tiện vận chuyển; khuyến khích áp dụng BAT/BEP trong xử lý chất thải; hướng đến xử lý tập trung theo vùng, khu vực hoặc tỉnh; quy định rõ trường hợp tự xử lý, đồng xử lý; lồng ghép giấy phép xử lý chất thải nguy hại trong giấy phép môi trường.

Đối với chất thải rắn thông thường: Quy định rõ việc phân loại chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình, cá nhânđược nhà nước hỗ trợ (chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác); quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo giá thị trường (phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng, sản xuất công nghiệp, y tế, xây dựng và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác).

Đối với chất thải rắn sinh hoạt: thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, trong đó quy định về nguyên tắc và giao địa phương thực hiện thu phí, giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thông qua hình thức bán bao bì lưu chứa chất thải ở các đô thị lớn, qua đó thúc đẩy việc phân loại tại nguồn, giảm lượng phát sinh, thuận lợi cho việc xử lý và hỗ trợ một phần kinh phí cho nhà nước thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Quy định rõ thu gom, xử lý chất thải tại nông thôn theo hướng khuyến khích tái sử dụng làm phân hữu cơ, thu hồi phế liệu để giảm lượng chất thải phát sinh.

Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường: thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” theo cơ chế giá thị trường, thông qua hợp đồng kinh tế. Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc thu gom, phân loại và lưu giữ tạm thời chất thải rắn; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn thông thường hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý. Thực hiện thu giá theo thị trường đảm bảo đủ chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của cơ sở phát sinh; cơ quan, tổ chức hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn thông thường với tổng khối lượng từ 300 kg/ngày trở xuống có thể lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn thông thường như hộ gia đình, cá nhân.

Bổ sung quy định về kiểm toán chất thải nhằm thúc đẩy kiểm toán chất thải, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ công tác BVMT.

Đối với sản phẩm thải bỏ: quy định rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân sản xuất và nhập khẩu bao bì sản phẩm và sản phẩm thuộc đối tượng phải thu hồi sản phẩm thải bỏ; đưa danh mục sản phẩm thải bỏ đã được quy định và áp dụng ổn định trong nghị định lên dự thảo Luật; việc thu hồi sản phẩm thải bỏ được thực hiện thông qua hình thức ký một khoản kinh phí vào Quỹ BVMT để đảm bảo thu hồi sản phẩm thải bỏ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thu hồi sản phẩm thải bỏ tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ của mình; xã hội hóa công tác thu hồi sản phẩm thải bỏ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tương tự như quy định tại nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần tăng cường thu hồi tối đa phế liệu trong nước và giảm lượng chất thải phát sinh.

Đối với nước thải: quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư, dự án phát triển đô thị có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn; nước thải từ hộ gia đình và cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ ở đô thị và khu dân cư tập trung phải đầu tư, lắp đặt thiết bị xử lý tại chỗ theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng, đáp ứng yêu cầu BVMT của địa phương trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng khi xem xét thẩm định cấp giấy phép phải có công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định của ngành xây dựng, bảo đảm giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn, từng bước cải thiện môi trường nước sông nội đô của một số thành phố, đô thị lớn nhằm giảm tải, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt.

Quang Minh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động