Tái chế phao xốp

21/03/2024 08:37 Sản phẩm tái chế
Xử lý rác thải từ phao xốp làm nhiên liệu đốt, vật liệu xây dựng đã và đang là hướng đi hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh trong việc vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế.

Thực hiện chủ trương thay thế vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn, tỉnh Quảng Ninh có trên 6,85 triệu quả phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE hợp quy. Do đó, Quảng Ninh đã tìm nhiều giải pháp xử lý phao xốp để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Xử lý rác thải từ phao xốp làm nhiên liệu đốt thu hồi nhiệt sau đó nung thành clinker sản xuất xi măng hoặc tạo ra các sản phẩm nhựa đặc…là lợi ích kép mà Quảng Ninh đang thực hiện.

Đến cuối tháng 11/2023, tỉnh Quảng Ninh có khoảng trên 32.000 ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở 8/13 địa phương, trong đó riêng nuôi biển chiếm 68%. Đến nay, việc thu gom phao xốp để thay thế đạt khoảng 98%. Để giải quyết bài toán rác thải từ phao xốp, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương lên phương án xử lý đảm bảo quy định, không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Theo đó, các thành phố Cẩm Phả, Hạ Long đã xử lý theo hướng vận chuyển vào các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất xi măng để làm nhiên liệu đốt thu hồi nhiệt, giúp tiết kiệm than. Mặt khác, khi nung ở nhiệt độ cao, phao xốp được chuyển hóa hết nhiệt không phát sinh mùi khét, không gây ảnh hưởng môi trường, sau đó được nung thành clinker sản xuất xi măng.

Khu vực dây chuyền gia nhiệt chế biến các phao xốp thành các miếng nhựa đặc
Khu vực dây chuyền gia nhiệt chế biến các phao xốp thành các miếng nhựa đặc

Thị xã Quảng Yên đã chọn đơn vị cung ứng phao HDPE đạt chuẩn ở Bắc Ninh làm đầu mối vận chuyển và tái chế. Huyện Đầm Hà, thành phố Móng Cái… thực hiện tiêu hủy, xử lý rác theo quy định.

Huyện Vân Đồn với số lượng trên 2 triệu quả phao tập kết tạm tại Cảng cá Cái Rồng đang được Công ty Cổ phần VietCycle (doanh nghiệp chuyên thu gom, chuyển giao, tái chế phế liệu trong nước) nhận xử lý không thu phí bằng dây chuyền nghiền, gia nhiệt và nén khí áp lực để tạo ra các sản phẩm nhựa đặc, là các nguyên liệu thứ cấp tái chế sang các dạng sản phẩm khác.

Công ty Cổ phần VietCycle đã hoàn thiện các thủ tục và đưa dây chuyền về tận địa phương để thực hiện, xử lý hơn 2 triệu quả phao xốp rác thải qua đó tiết kiệm cho địa phương nhiều thời gian và chi phí. Đến nay, sau hơn 1 tháng, doanh nghiệp đã xử lý được khoảng 40 tấn, còn khoảng trên 250 tấn phao xốp. Đơn vị đang lắp đặt dây chuyền mới công suất cao hơn để tăng hiệu suất, dự kiến trong quý II/2024 sẽ xử lý xong toàn bộ.

Dây chuyền xử lý không gây tiếng ồn lớn, không ảnh hưởng môi trường, dễ vận chuyển. Các phao xốp sau khi được làm sạch sơ được đưa đi nghiền, gia nhiệt, nén khí, tạo thành các miếng nhựa đặc, kích thước rất nhỏ so với quả phao xốp ban đầu. Sau đó, các miếng nhựa được vận chuyển về các nhà máy ở Hải Phòng, Hà Nội để tiếp tục lọc cặn bẩn sao cho sạch nhất có thể và trở thành nguyên liệu đầu vào cho những sản phẩm nhựa phế phẩm (nhựa đen)…

Phao xốp cũng là một dạng nhựa, do vậy khi xử lý bằng phương pháp đốt để tiêu hủy sẽ có mùi khét, khói đen, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, quá trình gia nhiệt lượng phao xốp của Công ty Cổ phần VietCycle gần như không phát tán mùi và không gây ảnh hưởng đến dân cư. Tỉnh Quảng Ninh hy vọng không chỉ Công ty Cổ phần VietCycle mà nhiều doanh nghiệp xử lý chất thải, tái chế sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong việc làm tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân trong thời gian tới.

Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó sẽ tăng cường hoạt động tái chế nói chung và tái chế phao xốp nói riêng để giải quyết bài toán về điểm tập kết tạm của các địa phương, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… Đây cũng là một trong những hướng đi của tinh Quảng Ninh trong thời gian tới, hướng đến thực hiện kinh tế tuần hoàn với tất cả các loại chất thải, xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm môi trường phát sinh bằng các công nghệ hiện đại nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động