Tây Ninh: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng do khai thác cát
Nguồn nước bị đe dọa
Hiện nay tình trạng khai thác cát ồ ạt trong lòng hồ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua kiểm tra có 240 tàu hoạt động khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, con số thực được cấp phép hoạt động khai thác chỉ khoảng 100 tàu.
Kết quả kiểm nghiệm nước trong hồ Dầu Tiếng của đơn vị này mới đây cũng cho thấy, nước ở tầng giữa trong lòng hồ bị vẩn đục bởi các chất rắn với chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng vượt 1,26 lần cho phép.
Theo tìm hiểu, ở lòng hồ Dầu Tiếng hiện có khoảng vài trăm phương tiện hoạt động hút cát, trung bình mỗi tàu chở được khoảng 40m3 cát cập bến bãi. Trong khi theo quy định mỗi ngày ở hồ này chỉ cho phép được khai thác 5.000m3 cát.
Với số lượng phương tiện tàu, thuyền như hiện nay thì số lượng cát khai thác mỗi ngày ước tính sẽ nhiều hơn rất nhiều so với quy định. Điều này sẽ khiến lòng hồ Dầu Tiếng đứng trước những nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến địa chất.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết, trước tình trạng khai thác cát rầm rộ ở hồ Dầu Tiếng, tháng 4/2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định tạm ngưng toàn bộ hoạt động khai thác cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng để tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động.
Cát được chuyển đi đâu?
Theo tìm hiểu, sau khi các tỉnh thành lân cận như: Bình Dương, Long An, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh… “siết” hoạt động khai thác cát, thì trình trạng khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng đã trở nên rầm rộ hơn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý, đặc biệt là việc xử lý các phương tiện chở quá tải trọng cho phép của lực lượng Thanh tra Giao thông.
Có mặt tại hồ Dầu Tiếng, chúng tôi ghi nhận hoạt động khai thác cát diễn ra rất rầm rộ với hàng chục ghe hút cát đang hoạt động. Nhiều bãi cát lớn với các cần cẩu hoạt động liên tục để đưa cát lên những chiếc ô tô tải trọng lớn. Để tìm hiểu cát được chuyển đi đâu, chúng tôi đã theo một xe chở cát có biển số TP Hồ Chí Minh.
Chiếc xe này sau khi rời khỏi bãi cát ở hồ Dầu Tiếng đã theo đường ĐT 781, sau đó rẽ vào đường nhánh về hướng TP Hồ Chí Minh. Sau vài giờ đồng hồ, chiếc xe về đến Tỉnh lộ 15 (thuộc địa phận huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) và vào một điểm tập kết cát.
Theo ông Đặng Diễm Phúc, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Tây Ninh, những con đường ven bờ hồ Dầu Tiếng ngày trước chỉ có một số bãi cát, nhưng từ khi các tỉnh lân cận có chủ trương “siết” hoạt động khai thác cát, thì hiện tượng xe quá tải vận chuyển cát từ hồ Dầu Tiếng bắt đầu nóng lên, khiến việc kiểm tra của lực lượng Thanh tra Giao thông gặp nhiều khó khăn.
Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện Tân Châu và Dương Minh Châu, lực lượng Thanh tra Giao thông tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra 272 cuộc, phát hiện 112 trường hợp vi phạm, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 172 trường hợp. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu là phương tiện chở quá tải trọng cho phép.