Thăng trầm làng nghề truyền thống hương xạ Thôn Cao

04/01/2021 10:30 Địa phương
Những ngày cuối năm, tìm về Làng nghề truyền thống hương xạ Thôn Cao (xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên) chúng tôi được chứng kiến bà con đang khẩn trương hoàn thành những mẻ hương cuối cùng để kịp cung ứng ra thị trường dịp tết Nguyên đán Tân Sửu.
thang tram lang nghe truyen thong huong xa thon cao
Đầu đường dẫn vào làng nghề hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên

Làng nghề truyền thống hương xạ Thôn Cao có diện tích tự nhiên 44,477ha với 190 hộ gia đình tương ứng khoảng 800 nhân khẩu tham gia làm hương truyền thống. Với địa thế thuận lợi giao thông nên từ lâu làng nghề có thế mạnh sản xuất hương thương mại. Đồng thời nơi đây cũng là một trong các địa danh làng nghề nổi tiếng của miền Bắc thu hút khách du lịch về thăm quan, tìm hiểu.

Theo gia phả của làng và truyền ngôn của một số bậc cao niên của địa phương, nghề làm hương xạ của Thôn Cao đã có cách đây khoảng trên 200 năm, được truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có thời điểm nghề làm hương còn bị cấm, hay đánh thuế nặng nhưng các thế hệ người dân Thôn Cao vẫn kiên trì lưu giữ và truyền dạy cho con cháu.

Những năm đổi mới, rồi đến thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, nghề làm hương xạ ngày càng phát triển, sản xuất ra các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt tâm linh cho người dân cho địa phương và mọi miền Tổ quốc. Vì lẽ đó, nén hương thơm của làng nghề Thôn Cao không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là nét đẹp văn hóa đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân.

thang tram lang nghe truyen thong huong xa thon cao

Cho đến nay, các thế hệ người dân thôn Cao vẫn kiên trì lưu giữ nghề truyền thống và phát triển thành nghề chính

Vừa vào đầu Thôn Cao, chúng tôi đã cảm nhận rõ mùi thơm trầm mặc của hương trầm quen thuộc từ sâu trong tiềm thức. Tiếp chuyện khách, bà Nguyễn Thị Thỏa, 57 tuổi người có thâm niên nghề ở Thôn Cao cho biết: Để làm ra một nén hương nhỏ không chỉ cần một bàn tay khéo léo mà phải có một cái tâm sáng. Bởi đây không đơn thuần là một sản phẩm hàng hóa, nó còn là một thứ vật chất đặc biệt gắn kết trong giới tâm linh.

“Có gần 30 loại thảo mộc được dùng để làm hương, trong đó đa phần là các vị thuốc bắc. Chính điều này khiến hương Thôn Cao chúng tôi hàng trăm năm qua luôn là thương hiệu uy tín, bởi nó có mùi thơm tự nhiên rất đặc trưng, không gây hại sức khỏe như những loại hương sản xuất bằng hương liệu ở nơi khác”- Ông Hoàng Văn Long, một cao niên làng nghề chia sẻ.

Những người làm nghề ở Thôn Cao cho biết: Nắng tự nhiên luôn là thứ hoàn hảo nhất cho những mẻ hương tốt. Hiện đang thời điểm đầu mùa đông rất ít nắng, bởi vậy trời cứ hửng nắng là người làng đem hương bày phơi khắp nơi; từ hương vòng, hương trầm đến hương nén... Còn thời tiết âm u kéo dài lại phải đem hương vào sấy lò. Thường người làm nghề không ai muốn chọn cách này, vì hương giảm đi mùi thơm đặc trưng.

thang tram lang nghe truyen thong huong xa thon cao
Những mẻ hương cuối cùng của làng nghề cung ứng ra thị trường dịp tết Nguyên đán Tân Sửu

Nắm bắt được nhu cầu thị trường về loại hương truyền thống tự nhiên ngày càng lớn, nhiều hộ gia đình ở Thôn Cao đã mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hương trầm số lượng lớn với bí quyết gia truyền. Việc mở mang đã tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động không chỉ trong thôn xã, mà còn tạo việc làm cho lao động các địa phương lân cận với mức thu nhập khá.

Có nhiều hộ đã thu hút, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho từ 6-8 lao động thường xuyên cho thu nhập cao từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; nhiều hộ trong làng nghề có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/hộ/năm; đặc biệt có hộ doanh thu đạt từ 500- 700 triệu đồng/năm. Nhìn chung đời sống kinh tế của các hộ dân làng nghề Thôn Cao ngày càng phát triển; thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước; kết quả thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của làng nghề ước đạt gần 45 triệu đồng/người/năm, góp phần cải thiện đáng kể đời sống và thu nhập, đưa nghề làm hương trở thành nghề chính để phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về làng nghề, đồng chí Cao Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Khê cho biết: Để phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát huy những giá trị truyền thống cũng như việc phát triển, tìm hướng đi mới cho làng nghề.

Theo đó, địa phương đã có những nghị quyết chuyên đề về phát triển dịch vụ thương mại, đặc biệt là phát triển làng nghề theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đề án quy hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới, địa phương đã dành riêng một quỹ đất để quy hoạch phát triển cho làng nghề; cùng với đó địa phương luôn chú trọng quan tâm tuyên truyền, định hướng để nhân dân duy trì phát triển nghề, gìn giữ bí quyết gia truyền, không ngừng nâng cao chất lượng, phong phú hóa mẫu mã, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Địa phương đã thành lập Hiệp hội làng nghề hương truyền thống Thôn Cao với gần 80% hộ gia đình sản xuất hương tham gia, từ đó duy trì hoạt động của làng nghề có hiệu quả và nề nếp.

thang tram lang nghe truyen thong huong xa thon cao
Những bó hương như những đóa hoa bung nở đẹp mắt khi được phơi dọc các con đường trong làng nghề

Bên cạnh việc phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương, người dân Thôn Cao hiện còn đưa nghề truyền thống đi phát triển ở một số tỉnh thành lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…từ đó cũng đã tạo được nguồn thu rất lớn đối với nhân dân làng nghề.

Trong hoạt động kinh doanh sản xuất hương, công tác bảo vệ môi trường đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xã Bảo Khê đặc biệt chú trọng. Do là làng nghề truyền thông nên từ lâu yếu tố môi trường đã được xem là yếu tố quan trọng để có thể duy trì, phát triển làng nghề theo hướng bền vững, góp phần làm ra những sản phẩm hương sạch, hương thơm tụ nhiên, thân thiện môi trường...

“Để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống làm hương xạ Thôn Cao, địa phương đã và đang triển khai nhiều trương trình lồng ghép, tích cực truyền dạy bí quyết gia truyền pha chế nguyên liệu thảo mộc làm hương xạ cho các thế hệ trẻ; hướng cho thế hệ trẻ phát triển nghề truyền thống trên con đường hội nhập trên cơ sở bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống phải kết hợp chặt chẽ với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Cùng với đó địa phương không ngừng mở rộng thị trường trong nước và từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài; tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề…” - Phó Chủ tịch Cao Văn Minh cho biết thêm.

Chỉ còn thời gian ngắn nữa là tới Tết Nguyên đán, những ngày này sẽ không thể thiếu được mùi thơm thiêng liêng của những nén hương trầm đầy dư vị; nhớ mỗi dịp đêm giao thừa ba mươi và sáng mùng một Tết, những làn khói hương trầm sẽ thơm và dễ chịu hơn trong khoảnh khắc giao mùa thiêng liêng,.. và góp phần cho những cung bậc cảm xúc đầy dư vị ấy, hẳn có những nén hương trầm được làm từ những bàn tay tần tảo người dân Thôn Cao…

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động