Thanh Hóa: Đạt nhiều thành tích trong xây dựng Nông thôn mới
Cụ thể, hai năm qua với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, UBND tỉnh và nguồn vốn, nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng trên 2.779 km đường giao thông nông thôn; 933 km kênh mương và rãnh thoát nước; 229 công trình thủy lợi; 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp; 75 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn; 66 chợ nông thôn; 78 trạm y tế xã; 38 công trình công sở xã; 59 công trình cấp nước sinh hoạt; 18 công trình bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch; xây dựng mới và chỉnh trang trên 46 nghìn nhà ở dân cư.
Diện mạo Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống |
Từ cách triển khai, tuyên truyền, vận động đúng đắn của chính quyền địa phương công tác bảo vệ môi trường nông thôn cũng được người dân quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư; khoan giếng để sử dụng nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt... Kết quả, các địa phương đã trồng được trên 1.350 km đường hoa, 1.193 km đường cây xanh, 3.609 km đường điện sáng, nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì và ngày càng phát huy nhân rộng. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt 89,02%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại, được thu gom xử lý đạt 100% giúp cho cảnh quan đường làng, ngõ xóm ngày càng sáng-xanh-sạch – đẹp.
Về lĩnh vực Giáo dục, Y tế cũng luôn được các ngành, địa phương quan tâm, chú trọng, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong 02 năm qua, đã có thêm 323 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (công nhận mới và công nhận lại); trong đó, 155 Trường Mầm non, 127 Trường Tiểu học, 72 Trường Trung học cơ sở; 10 Trường Trung học phổ thông. Có khoảng 91,85% dân số tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) (vượt 0,1% so với chỉ tiêu kế hoạch) và 100% Trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 70.100 người, tạo việc làm mới cho 58.950 lao động; trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 10.920 lao động. Ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng so với năm 2020. Từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2022 xuống còn 6,08% (44.222 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,18% (59.487 hộ).
Với sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng nhau vượt qua khó khăn xây dựng Nông thôn mới, nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt 19 tiêu chí. Trong 02 năm (2021,2022) và Quý I năm 2023, toàn tỉnh có thêm 04 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã và 254 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí NTM/xã (tăng 0,23 tiêu chí so với năm 2020).
Cảnh quan nông thôn sáng- xanh- sạch-đẹp |
Những kết quả mà hai năm qua tỉnh Thanh Hóa đã đạt trong xây dựng Nông thôn mới, cũng phải nhắc đến sự đóng góp của Văn Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh. Văn phòng Điều phối luôn chủ động đưa ra những giải pháp nâng cao về “chất” trong xây dựng NTM ở các giai đoạn. Năm 2022, Văn phòng Điều phối đã tổ chức thành công 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng NTM; 06 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; Phối hợp với Báo Thanh Hóa xây dựng chuyên đề tuyên truyền với chủ đề “Vươn tới những giá trị cao hơn về chất cho NTM”... Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, tiếp tục quan tâm, hưởng ứng, đồng thuận của các tổ chức và toàn xã hội cũng như người dân đối với Chương trình.
Về tỉnh Thanh Hóa hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay toàn diện, những tuyến đường bê tông phong quang, sạch, đẹp được trồng hoa rực rỡ; nhiều mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị sản xuất liên kết được hình thành, nhân rộng và đem lại hiệu quả cao, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; các công trình thiết chế văn hóa khang trang, hiện đại; nhiều cây xanh, cột điện thắp sáng dọc hai bên đường... Tất cả đã khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền, địa phương trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 352 xã, 700 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao), 01 sản phẩm 5 sao, có 66 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 38 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện Chương MTQG xây dựng NTM theo bộ tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu; phát huy vai trò chủ thể của người dân; huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phù hợp với từng khu vực nông thôn. Lồng ghép với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO