Thời tiết bất lợi tác động tới môi trường nước, hơn 2.000ha tôm nuôi ở Sóc Trăng, Trà Vinh bị thiệt hại

04/08/2022 09:13 Tác động môi trường
Mưa nhiều trong những tháng gần đây làm biến động môi trường nước nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng gây ra dịch bệnh trên con tôm. Hầu hết tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi bị thiệt hại do bệnh phân trắng, đốm trắng, đỏ thân và hoại tử gan tụy.
Thời tiết bất lợi tác động tới môi trường nước, hơn 2.000ha tôm nuôi ở Sóc Trăng, Trà Vinh bị thiệt hại
Nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng, gần 1.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, gần đây do ảnh hưởng thời tiết bất lợi như mưa nhiều kéo dài, khi không mưa thì nắng nóng nên đã có khoảng 1.000ha tôm bị thiệt hại. Trước tình hình này, ngành chức năng và các địa phương đã, đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ diện tích tôm đang nuôi cũng như khuyến cáo người dân về kỹ thuật thả nuôi an toàn.

Đến nay, tỉnh đã thả nuôi được khoảng 31.000 ha tôm nước lợ (trong kế hoạch cả năm là 51.000ha). Hiện các hộ thả sớm đã thu hoạch được gần 6.000 ha tôm, sản lượng hơn 33.000 tấn. Ông Ngô Công Luận - Giám đốc hợp tác xã Nông ngư 14/10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cho biết tính đến hiện tại, hợp tác xã đã thả nuôi được 30/32ha, với lượng con giống khoảng 10 triệu con. Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, khiến tôm có biểu hiện chậm lớn, bỏ ăn, một vài ao nuôi tôm chết đột ngột. Hiện đã có 14 thành viên với khoảng 50% diện tích của hợp tác xã bị thiệt hại.

Bà Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tỉnh Sóc Trăng, cho biết ngoài khó khăn về thời tiết, người dân nuôi tôm cũng đang đối mặt với khó khăn nữa là vật tư đầu vào có chiều hương tăng, đặc biệt là thức ăn cho tôm. Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, hướng tới vụ nuôi tôm thắng lợi ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt thông tin tuyên truyền, thông tin đến người dân về các tình hình dự báo thời tiết, cũng như tình hình giá cả tôm. Đặc biệt, tất cả người nuôi tôm phải tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để có sự liên kết thực sự trong sản xuất cũng như kinh doanh hiệu quả hơn. Có được kết nối với các tổ chức cung ứng vật tư đầu vào sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuỗi giá trị trong sản xuất.

Để đạt sản lượng tôm nuôi nước lợ là 196.000 tấn theo kế hoạch trong năm 2022, các địa phương trọng điểm nuôi tôm tại Sóc Trăng như tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên... đang chủ động quan tâm trước diễn biến thời tiết bất lợi; đồng thời, tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trực thuộc ngành nông nghiệp nhằm khuyến cáo các giải pháp quản lý tôm nuôi phù hợp với tình hình thực tế.

Hơn 1.530ha nuôi tôm ở Trà Vinh bị thiệt hại

Thời tiết bất lợi tác động tới môi trường nước, hơn 2.000ha tôm nuôi ở Sóc Trăng, Trà Vinh bị thiệt hại
Tôm thẻ chân trắng. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Quốc - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh, cho biết từ đầu tháng 7 đến nay thời tiết trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều làm biến động môi trường nước gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi. Hầu hết tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi bị thiệt hại do bệnh phân trắng, đốm trắng, đỏ thân và hoại tử gan tụy. Riêng trong tháng 7/2022, vùng nuôi tôm nước mặn và lợ trong tỉnh bị thiệt hại hơn 315 ha, nâng tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại của tỉnh từ đầu vụ đến nay hơn 1.530 ha, với gần 853 triệu con giống của 3.790 lượt hộ nuôi.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh, qua kết quả lấy mẫu giám sát phòng, chống dịch bệnh trên động vật thuỷ sản, cho thấy có nhiều mẫu tôm, mẫu giáp xác ngoài môi trường, trong vùng nuôi và mẫu tôm thương phẩm mang mầm bệnh. Cụ thể, trong số hơn 100 mẫu được lấy để giám sát đã có 14 mẫu giáp xác trong vùng nuôi mang mầm bệnh đốm trắng; có 8 mẫu tôm thương phẩm mang mầm bệnh đốm trắng, 11 mẫu mang mầm bệnh hoại tử gan tụy cấp, 22 mẫu mang mầm bệnh vi bào tử trùng.

Từ kết quả trên, Chi cục Thuỷ sản tỉnh khuyến cáo người nuôi cần quản lý chặt chẽ hơn môi trường nước từ nguồn cấp, trong ao nuôi và xả thải. Người nuôi thường xuyên theo dõi chặt chẽ sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phòng trị và xử lý tôn nuôi tránh phát sinh dịch bệnh. Song song đó, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh cũng đưa ra dự báo, từ giờ đến cuối năm tình hình nuôi thủy sản sẽ gặp nhiều bất lợi về thời tiết, môi trường do cao điểm của mùa mưa, khả năng cao xảy ra dịch bệnh, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột trên tôm. Vì vậy, các hộ nuôi tôm đã thu hoạch khi tái vụ không nên nóng vội thả con giống, cần xử lý vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật và kiểm tra môi trường nước đảm bảo an toàn mới tiến hành thả con giống.

Tính đến cuối tháng 7/2022, nông dân trong tỉnh Trà Vinh thả nuôi hơn 24.000 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt gần 90 % kế hoạch năm; trong đó có gần 700 ha nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Đến đầu tháng 8/2022, nông dân trong tỉnh Trà Vinh đã thu hoạch được 5.250 tấn tôm sú và hơn 23.500 tấn tôm thẻ chân trắng. Năng suất tôm nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt 50 - 55 tấn/ha và tôm nuôi thâm canh đạt bình quân 6 tấn /ha.

Gia Thanh

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động