Thực trạng và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị thực hiện xã hội hóa giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

20/10/2022 14:04 Nghiên cứu, trao đổi
Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là sản phẩm, dịch vụ công ích [Danh mục B, 1], từ đó, Nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội về cung cấp dịch vụ CTRSH thông qua các hoạt động: 1) Nhà nước đầu tư tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ CTRSH; 2) Nhà nước thành lập doanh nghiệp (do nhà nước làm chủ sở hữu) để thực hiện cung ứng dịch vụ CTRSH; và 3) Nhà nước bù giá cho các hoạt động dịch vụ CTRSH.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã được xã hội hoá tại một số địa phương, tập trung vào các khu xử lý CTRSH với quy mô vừa và nhỏ, cơ bản đáp ứng yêu cầu về VSMT; Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH cũng được xã hội hoá một cách toàn diện, ngoài các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu, xuất hiện các doanh nghiệp cổ phần, TNHH, HTX, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài tham gia cung ứng dịch vụ CTRH (đối với doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia cung ứng dịch vụ tái chế, xử lý CTRSH ).

Thực trạng và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị thực hiện xã hội hóa giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
Thực trạng và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị thực hiện xã hội hóa giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam
Hoạt động thu gom rác tái chế do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện

Để giảm bớt gánh nặng từ việc Nhà nước phải bù giá cho các hoạt động dịch vụ CTRSH; Để quy luật cung, cầu định hướng hoạt động cung ứng dịch vụ CTRSH; Và để dịch vụ CTRSH theo cơ chế thị trường thì việc xây dựng lộ trình cụ thể để xã hội hoá giá dịch vụ CTRSH là điều cần thiết và cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

1. Kinh nghiệm thu giá dịch vụ CTRSH tại Hàn Quốc

Thận trọng và có lộ trình cụ thể

Tại Hàn Quốc, việc thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng đã được áp dụng từ những năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ XX; trước khi áp dụng thu phí xử lý CTRSH theo khối lượng vào năm 1995, Hàn Quốc đã có giai đoạn chuẩn bị, nghiên cứu khả thi rất kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng và tổ chức các cuộc họp để thông báo cho người dân về chính sách mới này. Hoạt động thí điểm đã được thực hiện vào năm 1994, một số quận ở Seoul đã thử nghiệm áp dụng việc thu phí xử lý CTRSH theo khối lượng để xem liệu hệ thống này có hoạt động tốt hay không [2].

Tối giản trong phương thức thực hiện

Để việc thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng được thực hiện, đòi hỏi người dân phải mua một túi nhựa đặc biệt để đựng chất thải, nếu chất thải nhiều, bạn phải mua một túi nhựa lớn hơn với chi phí cao hơn, về cơ bản, nó cung cấp một động lực cho người dân để giảm phát sinh chất thải và thúc đẩy tái chế nhiều hơn.

Việc tính giá của túi nhựa đặc biệt để đựng CTRSH phát sinh được xác định theo quy định của địa phương, giá giữa các thành phố khác nhau nhưng không có nhiều sự khác biệt; giá cơ bản được xác định khi xem xét các chi phí xử lý chất thải và tình trạng tài chính của chính quyền địa phương và mức sống của người dân.

Hiệu quả

Lợi nhuận từ việc thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng được sử dụng để chi trả cho việc xử lý chất thải. Trên thực tế, lợi nhuận từ giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng chiếm khoảng 30% - 40% chi phí xử lý CTRSH, vì vậy vẫn đòi hỏi sự trợ cấp từ Chính phủ Hàn Quốc.

Hoạt động thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng đã tạo ra hai tác động rất quan trọng đối với việc quản lý chất thải: một là, thúc đẩy phân loại CTRSH tại nguồn để giảm khối lượng chất thải trong túi đựng, từ đó làm giảm khối lượng CTRSH phải vận chuyển đến bãi rác để xử lý; hai là, thúc đẩy tái chế, các chất thải có thể tái chế không yêu cầu sử dụng túi nhựa trả trước và được thu gom miễn phí.

2. Gánh nặng “bù giá” dịch vụ CTRSH tại Việt Nam

Nguồn tài chính cho dịch vụ CTRSH

Hiện nay, chưa có số liệu thống kê riêng biệt về nguồn tài chính cấp riêng cho dịch vụ CTRSH, chỉ có số liệu chung từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (trong đó có chi cho công tác quản lý CTRSH); nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tăng dần hàng năm ở cả Trung ương và địa phương:

1) Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2011 tăng 16,37% so với năm 2010, năm 2015 tăng 14,2% so với năm 2014; Năm 2018 là 18.392 tỷ đồng tương đương 1,2% tổng chi ngân sách Nhà nước, năm 2019 là 20.442 tỷ đồng tương đương 1,25% tổng chi ngân sách Nhà nước.

2) Các địa phương có nguồn chi ngân sách lớn cho công tác quản lý CTRSH, trong năm 2018, TP. Hồ Chí Minh chi hơn 2.000 tỷ đồng, Đà Nẵng chi 176 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu chi 102 tỷ đồng; Giai đoạn 2017 - 2020, TP. Hà Nội chi 4.961 tỷ đồng... Các tỉnh khác chi trung bình khoảng từ 20 - 40 tỷ đồng/ năm, thấp nhất có những tỉnh chi khoảng 03 đến 10 tỷ đồng/năm [3] và [4].

Nhà nước bù giá với tỷ lệ cao

Giá dịch vụ CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương và được thu theo hình thức khoán. Giá dịch vụ CTRSH phát sinh từ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trên thực tế, nguồn kinh phí thu được từ phí vệ sinh môi trường chỉ đủ chi trả khoảng 20 - 25% chi phí thu gom và vận chuyển CTRSH đô thị [11]; Khu vực nông thôn chưa có số liệu thống kê chính xác. Năm 2019, trên toàn TP. Hà Nội, nguồn thu từ Phí vệ sinh theo chỉ tiêu thu của các quận, huyện, thị xã là 448,4 tỷ đồng trong khi toàn bộ kinh phí mà UBND TP. Hà Nội phải chi cho dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH là 1.712 tỷ đồng [5].

Nguồn tài chính cho dịch vụ CTRSH còn thấp, do được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường nên phụ thuộc nhiều vào điều kiện phát triển KTXH tại các địa phương, vì vậy có sự đầu tư không đồng đều giữa các địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước còn phải bù giá dịch vụ CTRSH với tỷ lệ cao dẫn đến hạn chế nguồn kinh phí đầu tư cho các hạng mục về CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH.

3. Một số vấn đề cần hoàn thiện khi thực hiện xã hội hoá giá dịch vụ CTRSH

Luật BVMT 2020 đã có quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải, việc áp dụng thông qua giá bán bao bì đựng CTRSH, thể tích thiết bị chứa CTRSH, cân xác định khối lượng CTRSH; Thời gian áp dụng muộn nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024 [6]. Đây là quy định phù hợp với nguyên tắc: 1) Sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải; 2) Người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định nói trên sẽ gặp phải một số vấn đề cần phải hoàn thiện như sau:

Một là, đây là một vấn đề mới trong quản lý CTRSH nhưng thời gian thực hiện gấp gáp, chưa có lộ trình cụ thể và thiếu cơ chế phối hợp thực hiện;

Hai là, giá dịch vụ CTRSH sẽ tăng cao nhiều lần so với mức thu khoán dịch vụ hiện tại. Giá dịch vụ chi trả cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vẫn được áp dụng theo điều kiện phát triển KTXH của từng địa phương, từ đó hạn chế việc cơ giới hoá/ đồng bộ phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH;

Ba là, CSHT còn thiếu, xuống cấp và không đồng bộ với CTRSH được phân loại trong các túi thu gom;

Bốn là, chưa có quy định cụ thể về lợi ích kinh tế của chủ nguồn thải CTRSH trong việc thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích;

Năm là, chế tài xử lý đối với chủ nguồn thải CTRSH vi phạm các quy định về BVMT nơi công cộng còn tồn tại nhiều bất cập;

Sáu là, chưa có chương trình truyền thông mang tính tổng quan, chuyên đề liên quan đến hoạt động thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích.

4. Đề xuất giải pháp thực hiện xã hội hoá giá dịch vụ CTRSH

Một là, từ nay đến thời hạn cuối cùng (31 tháng 12 năm 2024) các địa phương trên toàn quốc phải thực hiện thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích, đối với Phí vệ sinh hoặc giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH phải cải thiện phương thức giao chỉ tiêu thu Phí vệ sinh; Xây dựng và hoàn thiện phương án thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích, định hướng phù hợp theo công nghệ, thiết bị cung ứng dịch vụ CTRSH.

Hai là, Nhà nước cần ban hành quy định cụ thể về lợi ích kinh tế của chủ nguồn thải CTRSH, mặc dù Luật BVMT 2020 đã quy định về việc miễn phí thu gom, vận chuyển đối với CTRSH sau phân loại có thể tái chế, tái sử dụng nhưng vẫn chưa cụ thể, đặc biệt là rác thải sinh hoạt đã được phân loại, làm sạch thành nguồn cung có chất lượng cho quá trình tái chế.

Ba là, xây dựng chương trình truyền thông mang tính tổng thể về quản lý CTRSH, trong đó có nội dung về thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích, theo đó, thực hiện các nội dung truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về giảm thiểu, phân loại CTRSH và vai trò, trách nhiệm của chủ nguồn thải trong việc phối hợp thực hiện thu giá dịch vụ CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích … với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng thành phần, đối tượng.

Bốn là, hoàn thiện quy định về điều kiện hoạt động với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ CTRSH, đặc biệt là các nội dung về CSHT cung ứng dịch vụ CTRSH.

Năm là, hoàn thiện chính sách pháp luật quy định xử phạt đối với chủ nguồn thải CTRSH: 1) Rà soát các văn bản pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nguồn thải CTRSH liên quan đến hành vi vứt, thải bỏ CTRSH ra nơi công cộng, cần sửa đổi bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, xuyên xuốt, không chồng chéo trong các nội dung xử lý vi phạm; 2) Xem xét xử phạt chủ nguồn thải CTRSH theo hình thức lũy tiến, tăng nặng dần sau mỗi lần vi phạm; và 3) Cần xem xét áp dụng chế tài hình sự đối với chủ nguồn thải CTRSH có hành vi vứt, thải bỏ khối lượng lớn CTRSH ra môi trường.

Sáu là, Công khai, minh bạch các hoạt động thu gía dịch vụ CTRSH theo khối lượng và thể tích, nội dung này cần tích hợp trong CSDL về quản lý CTRSH.

5. Kiến nghị

Kiến nghị Chính phủ thay đổi nội dung về cách tính giá dịch vụ CTRSH đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày. Đối tượng này được áp dụng như giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân và được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương sẽ tiếp tục khiến nhà nước phải bù một lượng tiền lớn cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH.

Kiến nghị với Bộ TNMT, chủ trì phối hợp với địa phương là đô thị đặc biệt triển khai thí điểm áp dụng thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích trong năm 2022, năm 2023 áp dụng tại một số địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày, năm 2024 áp dụng đối với các địa phương còn lại trên toàn quốc.

TS. Nguyễn Duy thái

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2013), Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về Sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2013.

2. Hàn Trần Việt (2020), Mô hình thu phí chất thải rắn dựa trên lượng thải - Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2020, từ [http://tapchimoitruong.vn/nghien-cuu-23/M%C3%B4-h%C3%ACnh-thu-ph%C3%AD-ch%E1%BA%A5t-th%E1%BA%A3i-r%E1%BA%AFn-d%E1%BB%B1a-tr%C3%AAn-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-th%E1%BA%A3i---Kinh-nghi%E1%BB%87m-t%E1%BB%AB-H%C3%A0n-Qu%E1%BB%91c-14262].

3. Bộ Xây dựng (2017), Báo cáo về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTRS đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội.

4. Báo Kinh tế đô thị (2020), Tháo gỡ bất cập trong đấu thầu thu gom rác (Bài 2: Chi phí phát sinh gây khó cho doanh nghiệp), truy cập ngày 03 tháng 1 năm 2021, từ [ https://kinhtedothi.vn/thao-go-bat-cap-trong-dau-thau-thu-gom-rac-bai-2-chi-phi-phat-sinh-gay-kho-cho-doanh-nghiep-403262.html

5. UBND TP. Hà Nội (2019), Báo cáo công tác BVMT năm 2019, Hà Nội.

6. Quốc Hội (2020), Luật BVMT, ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2020.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động