Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 - cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn
Hội nghị được sự đồng chủ trì của các nhà báo: Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam - Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam.
Và sự tham dự của các Liên Chi hội, chi hội trực thuộc và 25 Hội Nhà báo các tỉnh miền Bắc.
Các nhà báo đồng chủ trì hội nghị |
Trải qua 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, và là chỗ dựa để những người làm báo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn.
Mặc dù, công tác báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng, khi tính đến thời điểm hiện tại, Hội Nhà báo Việt Nam có tổng số hội viên là 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 chi hội trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực thì vẫn còn đó nhiều vấn đề tồn tại và thách thức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà báo Nguyễn Đức Lợi đã chỉ rõ: Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực những người làm báo và toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới như: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; phân định báo và tạp chí; hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; hoạt động liên kết báo chí... |
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: congthuong.vn) |
Đồng thời, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng chỉ ra những phát sinh khi triển khai thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội, đòi hỏi phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung sát thực tiễn hơn để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tác nghiệp và tham gia mạng xã hội.
Trong đó, có một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc. Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội rất quan tâm.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: qdnd.vn) |
Các tham luận tại Hội nghị đã tập trung vào các chủ đề nóng, như: Làm thế nào để nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Một số tham luận cũng bày tỏ mong muốn Hội nhà báo địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, quản lý báo chí, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhấn mạnh vai trò của các cấp Hội nhà báo trong công tác phòng ngừa, chấn chỉnh những sai phạm của hội viên khi tham gia mạng xã hội; kiến nghị việc cần có quy định chặt chẽ về kinh tế báo chí trong Luật Báo chí.
Đặc biệt, cần phải cập nhật, sửa đổi, bổ sung kịp thời 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội, giúp hội viên - nhà báo xác định rõ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội khi tác nghiệp, cũng như tham gia mạng xã hội; xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp để tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị. |
10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm: Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác. Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật. Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. |