TP. Hạ Long, Quảng Ninh: Ngang nhiên san lấp đất trái phép ở đập Minh Khai
Khu vực san lấp, lấn chiến hàng nghìn mét vuông đập Minh Khai và được gia cố như một thành lũy. |
Qua tìm hiểu được biết, khu vực xảy ra việc tại tổ 2 khu cầu Trắng (thuộc đập Minh Khai, phường Đại Yên). Đập Minh Khai là một công trình thủy lợi có từ xưa đến nay. Công trình trước đây do Hợp tác xã Đại Yên quản lý, gần đây được bàn giao lại cho UBND phường Đại Yên chịu trách nhiệm.
Bên cạnh chức năng quan trọng nhất là tiêu thoát nước, điều hòa sinh thái nguồn thải sinh hoạt cho một số khu dân cư đông đúc như tổ 1, tổ 2 khu Cầu Trắng và Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh, đập Minh Khai còn là nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục... Do nằm cạnh dự án đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nên vài năm trước, một phần diện tích đất đập đã bị thu hẹp để phục vụ mở rộng tuyến đường quan trọng này.
Hành vi san lấp đang gây thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công năng của đập thủy lợi Minh Khai. |
Buông lỏng quản lý?
Khác hẳn với vẻ bình yên vốn tồn tại từ xưa, cái thời mà nước đập còn trong xanh, là nguồn nước sạch sinh hoạt của người dân, lòng hồ đập Minh Khai nửa năm trở lại đây bất ngờ bị một số người lạ đưa máy móc đến chôn cọc tre, bê tông tạo móng kiên cố như thành lũy. Chưa dừng lại ở đó, nhóm người này còn ngang nhiên chở đất đá từ nơi khác đến đổ xuống khu vực này nhằm nâng cốt nền, thay đổi hiện trạng khác hẳn so với ban đầu. Dù vấp phải ý kiến phản đối của người dân nhưng nhóm người này vẫn không sợ, mà ngày càng hung hăng hơn.
Ông Lưu Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). |
Theo ý kiến của một số người dân địa phương cho biết, do diện tích lòng đập Minh Khai ngày càng bị thu hẹp, kéo theo khả năng lưu trữ nước của đập bị giảm nên mỗi lần mưa to, nước dâng lên hoặc không tiêu thoát kịp đã gây ra cảnh ngập úng.
“Nếu cơ quan chức năng địa phương không vào cuộc làm rõ sự việc thì chẳng mấy chốc, con đập quan trọng này sẽ bị xóa sổ, chức năng điều hòa môi trường sinh thái sẽ mất cân bằng, về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân”, một người dân địa phương lo lắng.
Trả lời phóng viên Tạp chí Công nghiệp môi trường, ông Lưu Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên ban đầu tỏ thái độ lảng tránh trách nhiệm khi cho rằng do địa giới phường rộng nên không thể quản lý hết được.
Sau khi nhận bằng chứng là những video, hình ảnh do phóng viên cung cấp, ông Bình mới chịu hợp tác, thừa nhận có tình trạng đúng như người dân phản ánh. “Sáng nay (7/5) tôi vừa làm việc với công an tỉnh xong, công an tỉnh cũng đã vào cuộc về vụ việc này rồi”, ông Bình cho hay.
Theo thông tin do Phó chủ tịch UBND phường Đại Yên cung cấp, khu vực xảy ra vi phạm có tổng diện tích hơn 4.215m2, ban đầu do một cá nhân người địa phương có tên là Nguyễn Hữu Vượng đứng ra quản lý. Năm 2002, ông Vượng chuyển quyền sử dụng toàn bộ 4.215m2 diện tích đất cho người khác có tên là Chu Viết Luân (trú ở Hà Nội) quản lý.
Sau khi phát hiện ông Luân có hành vi vi phạm như người dân phản ánh, UBND phường Đại Yên đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 5 triệu đồng và yêu cầu ông Chu Viết Luân khôi phục lại tình trạng ban đầu và xong trước ngày 25/3/2021.
“Đây là khu đất có nguồn gốc là đất ao (bao gồm 3 ao, trong đó có 01 ao đã được cấp bìa (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV). Hai ao còn lại đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Khu vực san lấp trái phép nằm tại vị trí hai ao này”, ông Bình thông tin.
Biên bản vi phạm, thông báo gửi người vi phạm và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của phường Đại Yên về hành vi san lấp trái phép tại đập Minh Khai. |
Dù văn bản xử phạt buộc ông Luân phải khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng bạn đầu trước ngày 25/3/2021. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 5/2021, sai phạm không những chưa được khắc phục mà thậm chí còn mở rộng phạm vi vi phạm hơn. Qua khảo sát thực tế, phóng viên nhận thấy, hoạt động vi phạm tại đây vẫn diễn ra rầm rộ như một đại công trường công khai giữa ban ngày nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND phường Đại Yên để chuyện này mặc nhiên xảy ra, bất chấp đã có biên bản xử phạt như trên. Phải chăng, chính quyền địa phương lập biên bản để đối phó dư luận, trong khi vẫn cho vi phạm được tồn tại?
Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Bên cạnh câu chuyện về việc UBND phường Đại Yên có dấu hiệu buông lỏng quản lý, dù đã lập biên bản xử lý vi phạm nhưng vẫn để sai phạm tồn tại. Một điều khiến dư luận cũng đặc biệt quan tâm đó chính là hàng nghìn mét khối đất đá đã và đang được đổ xuống khu vực này có nguồn gốc từ đâu? Nếu là “đất sạch” thì đi "một nhẽ" nhưng nếu đây là “đất bẩn”, “đất lậu”, tức là đất chứa tạp chất gây ô nhiễm môi trường từ trong các khu công nghiệp, hóa chất tuồn ra, đưa về đổ xuống đập Minh Khai thì hậu quả sẽ khôn lường đến thế nào?
Dư luận địa phương cũng đặc biệt quan tâm là hàng nghìn mét khối đất đá đã và đang được đổ xuống khu vực này có nguồn gốc từ đâu? |
Chưa hết, theo quy định hiện nay, việc khai thác, mua bán đất thải vẫn phải chịu một số loại thuế nhất định để tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước, vậy thực tế đã được chấp hành ra sao?
Trả lời thắc mắc này của phóng viên, Phó Chủ tịch Lưu Văn Bình không hiểu vì lý do gì mà luôn tỏ thái độ “bênh vực”, “nói đỡ” cho người vi phạm đến ngạc nhiên, đồng thời cũng đùn đẩy, trốn trách nhận trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra sai phạm. Trong đó, ông Bình giải thích rằng toàn bộ đất đó được tận dụng từ nguồn thải trong dân. “Khi người dân làm nhà bỏ đất đó đi thì người ta xin về đổ vào đấy. Tôi nghĩ rằng nó không thể gây ô nhiễm môi trường”, ông Bình nói. Điều này càng khẳng định Phó Chủ tịch Lưu Văn Bình biết tường tận "mạch đập" của quá trình san lấp, lấn chiếm.
Toàn bộ những vấn đề bài báo đặt ra như trên, chúng tôi xin kính chuyển tới các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh sớm vào cuộc làm rõ…