TP. Hồ Chí Minh: Hạn chế tối đa tác động môi trường của “siêu” cảng Cần Giờ

29/06/2023 18:25 Tác động môi trường
“Siêu” cảng quốc tế Cần Giờ có mức đầu tư khoảng 5,4 tỉ USD sẽ được đầu tư trên một cù lao tách biệt, thuộc vùng chuyển tiếp khu sinh quyển Cần Giờ. Theo đó, dự án sẽ hạn chế tối đa tác động môi trường đến hệ sinh thái hiện hữu.
TP. Hồ Chí Minh: Hạn chế tối đa tác động môi trường của “siêu” cảng Cần Giờ
Một góc khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ

Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh vừa trình UBND TP. Hồ Chí Minh đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh). Mục tiêu của dự án là giúp TP. Hồ Chí Minh giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực và vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển. Qua đó, đem về nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, hoàn hiện hạ tầng đường sá, thu hút đầu tư…

Sau khi hoàn thành, dự án kỳ vọng sẽ đóng góp lớn trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, việc đầu đầu tư cảng biển tại khu vực “nhạy cảm” về môi trường như khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ cũng khiến dư luận không khỏi lo lắng về những tác động môi trường.

Trước nỗi lo môi trường khu sinh quyển Cần Giờ bị tác động bởi dự án, đơn vị tư vấn dự án “siêu” cảng Cần Giờ - Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast cho biết, cảng trung chuyển Cần Giờ được thiết kế hiện đại của một “siêu” cảng và đã hạn chế tối đa tác động đến môi trường.

TP. Hồ Chí Minh: Hạn chế tối đa tác động môi trường của “siêu” cảng Cần Giờ
Phối cảnh dự án "siêu" cảng Cần Giờ vừa được trình UBND TP. Hồ Chí Minh

Cụ thể, đơn vị đã tiến hành đánh giá tác động môi trường sơ bộ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành ở bước lập đề xuất đầu tư. Theo đó, cảng Cần Giờ được đặt tại khu vực cửa sông Cái Mép, thuộc vùng chuyển tiếp khu sinh quyển Cần Giờ, tiếp giáp là vùng được quy hoạch hệ thống cảng biển và luồng hàng hải.

Đây là khu vực có hệ sinh thái đã thích nghi với điều kiện có các hoạt động hàng hải từ nhiều năm nay nên việc hình thành cảng trung chuyển ở đây cũng không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái hiện hữu.

Thêm vào đó, khu vực dự án là cù lao tách biệt khu sinh quyển Cần Giờ, không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của TP.HCM nên hoàn toàn phù hợp với mục tiêu môi trường của chiến lược quốc gia về môi trường.

Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast tiết lộ thêm, cảng Cần Giờ được đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, xây dựng mô hình cảng xanh nên hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường.

TP. Hồ Chí Minh: Hạn chế tối đa tác động môi trường của “siêu” cảng Cần Giờ
Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) khu vực dự kiến xây dựng "siêu" cảng quốc tế.

Theo thiết kế trình UBND TP. Hồ Chí Minh, vị trí cảng Cần Giờ là khu vực cù lao Phú Lợi - vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Cù lao này nằm biệt lập với các khu vực lân cận, thuận tiện cho kết nối với các luồng hàng hải và luồng đường thủy.

Cảng Cần Giờ có tổng chiều dài mặt bến đậu gần 10km, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT, tàu feeder trọng tải từ 10.000 - 65.000 DWT và sà lan trọng tải tới 8.000T. Cảng được đầu tư khai thác với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, toàn bộ các thiết bị khai thác trên bến và trên bãi sử dụng loại thiết bị chạy bằng điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Áp dụng hệ thống phần mềm chuyên dụng vận hành cảng (Terminal Operating System - TOS) để quản lý và tối ưu hóa hoạt động khai thác của cảng container.

Theo lộ trình đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được triển khai xây dựng từ năm 2024 đến 2026 và đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ 2027.

Công Hạnh

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động