TP. Hồ Chí Minh: Hợp tác phục hồi cống thoát nước bằng công nghệ không đào hở

26/02/2020 06:08 Tác động môi trường
JICA ký kết Hiệp định Viện trợ không hoàn lại “Dự án Cải tạo phục hồi Đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở (SPR) tại TP. Hồ Chí Minh” với mức tài trợ gần 400 tỷ đồng.
WB hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh 10,5 triệu USD phát triển giao thông xanh
tp ho chi minh hop tac phuc hoi cong thoat nuoc bang cong nghe khong dao ho
Lễ ký Hiệp định Viện trợ không hoàn lại của “Dự án Cải tạo phục hồi Đường cống Thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP. Hồ Chí Minh”.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP. Hồ Chí Minh đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu về cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường nước. Trong khi Thành phố đang nỗ lực hết sức mình để xây dựng hệ thống thoát nước mới, bao gồm các nhà máy xử lý nước thải và hệ thống đường ống để cải thiện môi trường nước, việc cải tạo phục hồi các đường ống thoát nước cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc được cho là một thách thức lớn trong tình trạng giao thông đông đúc như hiện nay, đặc biệt tại các quận trung tâm như Quận 1 và Quận 3.

Năm 2015, JICA đã cung cấp một dự án hợp tác kỹ thuật do Sở Xây dựng thành phố Osaka và công ty Sekisui Chemical thực hiện nhằm thí điểm công nghệ không đào hở trong việc cải tạo phục hồi các đường ống đã xuống cấp ở nút giao Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh tại Quận 1.

Dự án thí điểm này đã chứng minh đây là phương pháp phù hợp để cải tạo phục hồi các đường ống thoát nước, thích hợp tại các quận có lưu lượng giao thông lớn tại TP. Hồ Chí Minh mà không làm xáo trộn đời sống xã hội cũng như không làm hư hỏng mặt đường. Ưu điểm của việc sử dụng công nghệ không đào hở trong dự án thí điểm, so với phương pháp đào hở truyền thống, đã thuyết phục UBND TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy dự án cải tạo phục hồi đường ống thoát nước tại các khu vực trung tâm của Thành phố.

Dự án SPR có tổng vốn đầu tư khoảng 467,5 tỉ đồng (tương đương 20,9 triệu USD), trong đó vốn ODA viện trợ không hoàn lại khoảng 1,882 tỷ yên, tương đương 397,5 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP. Hồ Chí Minh. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh là chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án nhằm cải tạo, phục hồi các đường cống thoát nước cũ bị xuống cấp ở khu vực trung tâm Thành phố để giảm sự cố liên quan đến hệ thống thoát nước, giảm rủi ro về việc sụp lún mặt đường ảnh hưởng an toàn giao thông và giảm thiểu tình trạng kẹt xe. Cụ thể là cải tạo, phục hồi 2,78 km cống thoát nước cũ, bị xuống cấp tại 4 tuyến đường: Hai Bà Trưng, Yersin, Cống Quỳnh và Cách Mạng Tháng Tám.

Khoản viện trợ không hoàn lại, trị giá 1,882 tỷ yên đã được Chính phủ Nhật Bản cam kết vào năm 2018, sẽ được dùng để cải thiện năng lực thoát nước và năng lực chịu tải thông qua việc cải tạo và khôi phục các đường ống thoát nước cũ tại TPHCM.

Công việc cải tạo và phục hồi đường ống thoát nước cũ sẽ được các công ty Nhật Bản thực hiện trong 24 tháng dưới sự giám sát của công ty tư vấn của Nhật Bản, và dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 3/2023.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động